(TSVN) – Hơn 1 tuần qua, các tỉnh, thành khu vực miền Trung đã phải hứng chịu đợt mưa lớn trên diện rộng, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Nhiều giải pháp cấp bách đã được các địa phương tích cực triển khai.
Chiều 18/10, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An đã ban hành Công điện số 12/CĐ-BCH chỉ đạo triển khai các biện pháp cần thiết. Theo đó, yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các huyện, thị xã, thành phố Vinh; các sở, ban, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tiếp tục tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm (Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: từ 15 – 21 độ vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 111,5; trong 48 giờ tới: phía Bắc vĩ tuyến 16, phía Tây kinh tuyến 110 và được điều chỉnh trong các bản tin dự báo), không để chủ quan gây thiệt hại về người, tàu thuyền do bão.
Bộ đội Biên phòng kêu gọi ngư dân đưa phương tiện vào nơi trú tránh an toàn. Ảnh: Hà Phương
Tổ chức quản lý chặt chẽ các phương tiện, tàu thuyền ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn tàu thuyền tại nơi neo đậu. Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển. Tùy theo diễn biến bão, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng chủ động tham mưu cấm biển. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
Ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền, ban hành văn bản tập trung ứng phó với mưa lũ trong nuôi trồng thủy sản. Khuyến cáo các địa phương và người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu, bố trí nhân lực, chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng ngừa thiệt hại. Cũng theo ông Hoàng, trước khi mưa lũ xảy ra người dân cần nhanh chóng thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi khi đã đạt kích cỡ thương phẩm; chủ động sửa chữa, gia cố bờ ao, cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống; nạo vét kênh mương, đặt ống xả tràn, kiểm tra hệ thống dây neo, phao lồng; che chắn, vệ sinh lồng bè thông thoáng, khi cần thiết có thể di chuyển lồng bè vào khu vực kín gió, đảm bảo an toàn.
Theo ghi nhận, tỉnh Quảng Trị còn khoảng 1.500 ha lúa rẫy, 5.300 ha sắn và rau màu chưa thu hoạch, tập trung ở hai huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và vùng đồng bằng; 2.900 ha ao, hồ cùng nhiều lồng, bè nuôi trồng thủy sản chưa thu hoạch. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương có biện pháp bảo vệ sản xuất, đảm bảo an toàn đối với nghề nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Chiều 17/10, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị đã ra công điện hỏa tốc về việc chủ động triển khai ứng phó với tình hình mưa lũ và áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trên Biển Đông. Theo đó, yêu cầu các huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ phối hợp với các đơn vị, tổ chức cấm biển kể từ 17h ngày 17/10 đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại bình thường; thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền; duy trì thông tin liên lạc, bằng mọi biện pháp thông báo, cảnh báo kịp thời đến chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh; thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Chiều 17/10, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai dẫn đầu đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ tại TP Đà Nẵng. Tại đây, Thứ trưởng đề nghị, TP Đà Nẵng theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, sớm và kịp thời có giải pháp để phòng tránh thiệt hại, đảm bảo an toàn cho ngư dân. Trong thời tiết xấu, cần nhanh chóng đưa ra lệnh cấm biển, khuyến cáo người dân tránh đi vào vùng biển nguy hiểm. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tăng cường kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; duy trì liên lạc với các tàu thuyền trên biển, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền, không được chủ quan với áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão ở gần bờ.
Chiều 17/10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đã ký ban hành công điện về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ. Theo đó, giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tổ chức cấm biển kể từ 16h ngày 17/10/2023 cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường.
Cùng đó, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, bằng mọi biện pháp thông báo cho các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, không để chủ quan gây thiệt hại về người, tàu thuyền do áp thấp nhiệt đới, bão gần bờ. Chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân vùng ven biển, cửa sông, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển tùy theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão. Hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp, mưa lớn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên – Huế, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin duyên hải Huế tăng cường thời lượng thông báo, tuyên truyền để chủ các phương tiện, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi neo đậu tránh trú (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch).
UBND các huyện, thị xã và thành phố triển khai công tác ứng phó với vùng áp thấp, mưa lớn, phân công lãnh đạo xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở; rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông, ven phá, trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy, hải sản, khu dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng của gió mạnh, sóng lớn, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt, triển khai phương án ứng phó mưa lũ tại cấp xã theo phương châm 4 tại chỗ.
>> Ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia) cho biết, từ nay đến hết năm 2023, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 2 - 3 cơn bão/ áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 1 - 2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Ngoài ra, dải hội tụ nhiệt đới tiếp tục tác động đến thời tiết các tỉnh Trung bộ. Do vậy, ở khu vực này sẽ còn nhiều ngày mưa rào và dông, có ngày xuất hiện mưa vừa, mưa to đến rất to. Chính quyền và người dân các địa phương cũng cần đề phòng những hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa, từ nửa cuối tháng 10 và tháng 11/2023.
Vân Anh
(Tổng hợp)