Trong quy trình nuôi tôm, tôm bố mẹ quyết định đến chất lượng tôm giống. Vì vậy, việc chọn lựa tôm bố mẹ có ảnh hưởng lớn đến năng suất, hiệu quả.
1. Tuyển chọn tôm bố mẹ
Đối với tôm bố mẹ đánh bắt từ tự nhiên (tôm sú), việc chọn lựa được những cặp tôm bố mẹ hậu bị cho sinh sản sẽ quyết định đến sự thành công của trại giống cũng như chất lượng tôm giống. Bởi nguồn tôm bố mẹ khai thác ngoài tự nhiên rất khó kiểm soát mầm bệnh cũng như chất lượng và sự thành thục, thậm chí sức khỏe tôm vì trong quá trình đánh bắt khai thác, tôm bố mẹ bị ảnh hưởng rất lớn. Một số tiêu chuẩn để chọn lựa tôm bố mẹ cơ bản như sau:
Trọng lượng: Chọn tôm cái >= 100 gr, với tôm đực >= 60 gr, màu sắc tươi sáng, bóng mượt, hình dáng ngoài không bị tổn thương, bộ phận sinh dục ngoài hoàn chỉnh.
Tôm bố mẹ khỏe mạnh có màu sắc tươi sáng, bóng mượt – Ảnh: Phan Thanh Cường
2. Chăm sóc
Điều kiện môi trường nuôi tôm bố mẹ:
Độ mặn : 28 – 34‰
Nhiệt độ : 28 – 300C
Ôxy hòa tan 4 – 7mg/lít
pH : 7,6 – 8,2; Giữ môi trường ổn định
Mật độ và tỷ lệ đực/cái:
Bố trí mật độ hợp lý để tránh ô nhiễm, bệnh tật cũng như tiết kiệm được chi phí chăm sóc và tỷ lệ giao vỹ đạt cao.
Bể nuôi vỗ bố trí mật độ 3 – 5 con cái/m2. Bể giao vỹ 2 – 4 con/m2 (tỷ lệ đực/cái là 1/1). Thường xuyên kiểm tra chọn những cá thể cái đang ở giai đoạn tiền lột xác chuyển sang bể giao vỹ.
Thức ăn và chế độ cho ăn:
Phối hợp nhiều loại thức ăn trong khẩu phần để đảm bảo dinh dưỡng cũng như phù hợp tập tính ăn của từng cá thể.
Loại thức ăn: Thức ăn tổng hợp, mực ống, hàu, nghêu, trai, giun biển, ốc càng và thịt bò.
Ngày cho ăn 3 lần: 8 giờ sáng, 17 giờ chiều và 23 giờ đêm.
Lượng cho ăn hàng ngày bằng 10 – 15% tổng trọng lượng cơ thể đàn tôm mẹ trong thời kỳ phát dục. Bằng 3 – 5% tổng trọng lượng cơ thể tôm mẹ trong giai đoạn lột xác.
Thay nước:
Hàng ngày thay nước 2 lần, mỗi lần 100%, bảo đảm giữ nguồn nước nuôi sạch. Cân bằng độ mặn và nhiệt độ giữa nước cấp và nước trong bể nuôi.