Cải thiện chất lượng lao động nông nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

Mặc dù chiếm tới 40% tổng số lao động trong các ngành hàng kinh tế, nhưng năng suất lao động nhóm hàng nông, lâm, thủy sản vẫn ở mức thấp. Hiện, ngành nông nghiệp đang tìm nhiều giải pháp để thu hẹp khoảng cách này.

Mức độ di chuyển cao

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức năng suất lao động (NSLĐ) thấp nhất trong các khu vực kinh tế. Đến năm 2018, theo giá hiện hành đạt 39,8 triệu đồng/lao động, chỉ bằng 38,9% NSLĐ của toàn nền kinh tế, bằng 30,4% NSLĐ của khu vực công nghiệp và xây dựng, bằng 33,7% khu vực dịch vụ… Còn so sánh trong các nước ASEAN, NSLĐ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của Malaysia gấp 11,9 lần mức NSLĐ của Việt Nam; Indonesia gấp 2,4 lần; Thái Lan gấp 2,1 lần và Philippine gấp 1,8 lần.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết, chuyển dịch cơ cấu lao động tuy diễn ra khá nhanh nhưng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay còn lớn, đa số lao động trong khu vực này là lao động giản đơn, công việc có tính thời vụ, không ổn định nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, dẫn đến NSLĐ thấp. Đến năm 2018, Việt Nam vẫn còn tới 20,5 triệu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm, thủy sản, trong khi NSLĐ khu vực này chỉ đạt 39,8 triệu đồng/lao động. Thực tế cho thấy, thời gian qua, khu vực nông thôn đang có sự chuyển dịch lao động từ ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản sang các ngành phi nông, lâm nghiệp, thủy sản. Cùng đó, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chưa tác động tăng cao năng suất nội ngành. Như vậy, khu vực nông, lâm, thủy sản hiện chiếm tới 37,7% lao động của cả nước nhưng khu vực này mới chỉ tạo ra 14,7% GDP. Đây có thể xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho NSLĐ của Việt Nam thấp.

Cần nâng cao chất lÆ°Æ¡Ì£ng ngành lao động thủy sản 

Cần nâng cao chất lượng lao động ngành thủy sản – Ảnh: Lê Hiếu

 

Sức hút kém

Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, sẽ phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% vào năm 2020. Dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành này thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Lao động trẻ, có trình độ, tay nghề, kỹ thuật, thông thạo ngoại ngữ… là nhu cầu của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Mặc dù vậy, có đến 46% nguồn nhân lực trong nông nghiệp hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nông nghiệp nói chung, doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng.

Tại Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có khoảng 57.300 lao động trong lĩnh vực thủy sản; trong đó, số lao động có kỹ thuật cao chỉ khoảng 4.400 người, chiếm 7,6% tổng nguồn lao động, còn lại là lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Trong khi, trên thực tế, các trường nghề đào tạo cho ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh không thiếu, nhưng lại chưa, thu hút được học viên theo học.

Đại diện Trường Đại học Hạ Long cho biết, sinh viên chuyên ngành thủy sản hiện nay được đào tạo chắc về kiến thức và gắn với thực hành. Từ năm thứ 2, sinh viên được thực tập tại cơ sở liên tục trong 2 tháng; đến năm thứ 3, thứ 4 là 4 tháng trở lên. Tuy nhiên, nếu đặt cạnh các ngành như quản trị kinh doanh, du lịch – lữ hành, khách sạn – nhà hàng, ngoại ngữ… thì đào tạo ngành thủy sản vẫn chưa hấp dẫn sinh viên.

Đại diện Bộ Lao động Thương binh và xã hội cho rằng, lao động ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tới 38,6%, chủ yếu là giản đơn, việc làm không ổn định. Nhóm này chỉ tạo ra 15,34% GDP, dẫn đến năng suất lao động thấp. Từ góc độ của ngành, việc đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp được coi là giải pháp nhằm tăng năng suất lao động.

>> Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, với lĩnh vực nông nghiệp, nếu có nhiều doanh nghiệp chủ lực thì chắc NSLĐ sẽ khác, đáng chú ý doanh nghiệp FDI vào lĩnh vực nông nghiệp chưa đến 1%. Do đó, việc thu hút doanh nghiệp FDI vào nông nghiệp sẽ là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới, nhất là những doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến.

An An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!