(TSVN) – Thời gian gần đây, nhiều chủ tàu, thuyền khai thác kém hiệu quả và phải chuyển đổi nghề; thực trạng này đã gây khó khăn cho hoạt động khai thác hải sản trên địa bàn một số tỉnh, thành ven biển, trong đó có Quảng Ngãi.
Nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, cùng với đó là phải đối mặt với quá nhiều rủi ro, nguy hiểm, nhiều lao động nghề biển đã bỏ nghề. Giã từ những tháng ngày lênh đênh cùng sóng gió, họ về bờ để mưu sinh. Mấy năm nay, anh Dương Văn Lạc (1993, ngụ xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi) quyết định nghỉ đi biển, xin vào công nhân cơ khí làm tại một cơ sở ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Sau thời gian ngắn được đào tạo nghề, anh Lạc bắt nhịp với công việc. Thỉnh thoảng, vào dịp lễ, Tết, anh mới về quê.
Trước khi trở thành công nhân, anh Lạc là một ngư dân với 7 năm “tuổi nghề”, chuyên đi bạn cho các tàu đánh bắt xa bờ, ngược xuôi khắp các vùng biển. Xa nhà quanh năm, đối mặt với sóng gió, công việc thì nặng nhọc, thu nhập luôn bấp bênh, vì còn tùy vào tình hình thời tiết, sản lượng và giá cả bán ra. Sau nhiều lần cân nhắc, anh quyết định nghỉ biển.
“Nhớ mãi năm 2009, lúc đó đang đi biển ở đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị, nghe tâm bão ở Huế nên sợ bị bí ở đảo, không đủ lương thực để duy trì nên chạy về Đà Nẵng trú. Lúc chạy về cầu sông Hàn lại nghe bão đổ bộ vào Đà Nẵng, nên lại chạy tiếp về Sa Kỳ. Về cách cửa Sa Kỳ chừng 10 hải lý thì bão bắt đầu đổ bộ. Gió lớn nhanh, sóng dựng đứng, cao như nóc nhà. Chỉ trong tích tắc, gió thổi bay tất cả những thứ ở boong tàu”, anh Lạc nhớ lại.
Ngưng giây lát, anh kể tiếp: “Về tới cửa biển Sa Kỳ cũng không vào được, tàu cứ lượn lờ bên ngoài vì sóng to quá. Không vào thì cũng chết, mà vào được thì hên xui, có cơ hội sống. Tàu vào cửa mà tim đập loạn xạ, may có ông bà phù hộ. Về được tới bến, xách đồ lên bờ thì mọi người đã đi sơ tán hết. Gió rít nghe ớn lạnh. Năm đó, ngư dân Nghĩa An, TP Quảng Ngãi thiệt hại rất nặng, nhiều tàu bị chìm ở ngoài khơi, nhiều người mãi mãi không thể về”.
Từng là một ngư dân chuyên làm nghề lặn ở vùng biển xa, được nhiều chủ tàu “săn đón” với mức thu nhập từ 8 – 10 triệu đồng/tháng, nhưng anh Nguyễn Văn Vỹ, ở xã Bình Đông lại quyết định bỏ nghề giữa chừng. “Dù là nghề mang lại thu nhập khá, nhưng chỉ với bộ đồ lặn, chiếc kính lặn cùng bộ ống dẫn hơi nối với bình khí nén trên tàu, ngư dân phải lặn sâu xuống biển từ 40 – 50 m để mò tìm hải sản. Sau 5 năm làm nghề lặn, chứng kiến nhiều người không may gặp sự cố về dây hơi, hoặc do áp suất dưới nước quá lớn, nên đã mất mạng, hoặc bị các di chứng nặng nề về sức khỏe. Do vậy, tôi quyết định bỏ nghề”, anh Vỹ tâm sự.
Sau khi từ bỏ nghề lặn biển, anh Vỹ chuyển sang làm dịch vụ vệ sinh tàu biển và lặn, trục vớt máy móc, trang thiết bị cho các công trình xây dựng ven biển. Với tay nghề sẵn có, cộng với sự nhạy bén trong công việc, cơ sở của anh Vỹ trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều cá nhân, doanh nghiệp ở Khu kinh tế Dung Quất.
“Giờ tôi cũng làm nghề lặn, nhưng là lặn gần bờ, ở độ sâu an toàn, từ 10 – 15 m. Mỗi ngày lặn biển được các doanh nghiệp trả ở mức khá, từ 2 – 10 triệu đồng/ngày. Vào những tháng cao điểm, làm từ 10 – 20 ngày, còn tháng bình thường thì 5 – 7 ngày. Những ngày rảnh rỗi, tôi làm nghề khai thác hải sản ven bờ để kiếm thêm từ 200.000 – 300.000 đồng/ngày. Tôi rất hài lòng với công việc và thu nhập hiện tại”, anh Vỹ phấn khởi nói.
Những năm gần đây, một bộ phận lao động nghề cá đã dịch chuyển sang làm tại các Khu kinh tế, Khu công nghiệp hoặc vào các tỉnh phía Nam để tìm kiếm việc làm khác. Lao động nghề biển sụt giảm, nguồn lao động trẻ lại ít được bổ sung, dẫn đến tình trạng lao động khai thác thủy sản ngày càng thiếu hụt.
Ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi trăn trở: “Trước thực tế này, muốn “giữ chân” lao động nghề cá, tỉnh cần có chính sách ưu tiên hơn nữa trong đào tạo tay nghề theo hướng hiện đại cho ngư dân cũng như các giải pháp giúp ngư dân nâng cao thu nhập”.
Như Đồng