(TSVN) – Thời gian qua, ngành thủy sản nước ta đã có những bước chuyển đổi mạnh theo hướng chất lượng, hiệu quả và có nhiều đóng góp vào nền kinh tế. Tuy nhiên để ngành bứt tốc, cần giải quyết nhiều “điểm nghẽn”, trong đó tiêu điểm là về con giống, bởi đây là yếu tố rất quan trọng, khởi đầu cho sự thành công.
Con giống là yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững ngành thủy sản. Cần bổ sung và hoàn thiện cách tiếp cận mới, để tương lai không xa, các con giống thủy sản do người Việt Nam chọn tạo, thật sự đáp ứng được mong mỏi của tất cả doanh nghiệp và người nuôi. Ảnh: Genomar
Theo Cục Thủy sản, hiện cả nước có 8.112 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, ước tổng sản lượng giống sản xuất năm 2023 đạt 322 tỷ con. Trong đó, có 2.141 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống tôm nước lợ (1.236 cơ sở sản xuất và 905 cơ sở ương dưỡng). Sản lượng tôm giống sản xuất năm 2023 ước đạt 150 tỷ con (108 tỷ con tôm thẻ chân trắng (TTCT); 42 tỷ con tôm sú). Cả nước sản xuất được 10.094 con TTCT bố mẹ; 20.000 con tôm sú bố mẹ, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu (1.500 con), bằng 90,1% so năm 2022.
Năm 2023, cả nước nhập khẩu khoảng 167.000 con TTCT bố mẹ, trên 1.000 con tôm sú bố mẹ, 130.000 ấu trùng TTCT, 42.000 ấu trùng tôm sú, 22.000 con tôm càng xanh bố mẹ, 150.000 ấu trùng tôm càng xanh phục vụ cho sản xuất giống.
Toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 1.926 cơ sở sản xuất ương dưỡng giống cá tra, gần 3.000 ha ương dưỡng cá tra giống. Ước năm 2023, sản lượng giống cá bột đạt 28 tỷ con, cá giống đạt 3,9 tỷ con.
Có thể thấy, hơn 20 năm qua (từ 1999 đến 2023), ngành thủy sản Việt Nam đã có một bước tiến dài trong lĩnh vực chọn tạo giống thủy sản, cải thiện đáng kể chất lượng và giá trị, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế nông nghiệp của nước nhà.
Bên cạnh những thành tựu, vẫn còn nhiều khó khăn, kìm hãm sự phát triển của lĩnh vực này. Hiện nay, kết quả nghiên cứu, việc lựa chọn tôm bố mẹ trong nước rất hạn chế.
Chúng ta chủ yếu nhập khẩu tôm bố mẹ và phát triển nguồn lợi hoang dã. Nguồn cung tôm bố mẹ trong nước chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, dẫn đến phụ thuộc vào việc sản xuất tôm giống.
Về giống cá tra, chúng ta đã cải thiện chất lượng nhưng chưa nhiều, tỷ lệ sống từ cá bột đến cá giống còn thấp. Các doanh nghiệp cá tra cũng rất khó khăn trong khâu sản xuất giống. Hiện nay vẫn chưa hình thành liên kết giữa các hộ nuôi cá tra giống với các doanh nghiệp nuôi cá thương phẩm. Giống phục vụ nuôi biển còn thiếu cục bộ, chưa đáp ứng được mùa vụ nuôi. Giống cá nước lạnh chưa chủ động được, vẫn chủ yếu là nhập trứng từ nước ngoài về.
Đối với các cơ sở sản xuất tôm giống, ngoài những cơ sở đạt chuẩn, còn nhiều cơ sở không đảm bảo chất lượng sản xuất, không đảm bảo được an toàn sinh học, khi cung ứng nguồn tôm giống ra bên ngoài thị trường.
Để ngành thủy sản phát triển bền vững và ổn định phải có con giống tốt. Do đó, cần phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng giống, nhằm cung cấp đủ nguồn giống chất lượng cao, phục vụ nuôi thương phẩm trong vùng và hướng tới cung cấp con giống cho các vùng nuôi khác trên phạm vi cả nước.
Ngành thủy sản cần quy hoạch, hình thành các trung tâm sản xuất giống tôm sú, TTCT chất lượng cao, quy mô lớn ở Kiên Giang, Bạc Liêu. Hình thành 4 – 5 trung tâm sản xuất giống cá tra chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng cho nuôi thương phẩm ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ và An Giang.
Đồng thời, tập trung khoa học – công nghệ để cải thiện, nâng cao chất lượng giống, đối với một số đối tượng đã sản xuất được như: Cá tra, tôm sú, TTCT, một số giống cá biển và rong biển. Tiếp tục nghiên cứu, làm chủ quy trình sản xuất giống, với các đối tượng tiềm năng như: Tôm hùm, cá nước lạnh, một số loài cá biển. Đặc biệt chú trọng phòng chống dịch bệnh trên tôm giống, cá giống.
Đáng lưu ý, tôm bố mẹ có vai trò then chốt trong chuỗi sản xuất tôm nước lợ. Vì vậy, trong nước cần chủ động nguồn tôm bố mẹ, để hạn chế phụ thuộc vào tự nhiên và nguồn nhập khẩu. Các địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển sản xuất tôm giống cần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng, để cung cấp cho nhu cầu thả nuôi của người dân.
Bên cạnh đó, rất cần có chiến lược và chủ trương của Nhà nước, nhằm thu hút thêm các tập đoàn, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tập trung đầu tư vào lĩnh vực công nghệ di truyền giống thủy sản. Bởi nhờ đó, các doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản mới chủ động được nguồn tôm bố mẹ đầu vào, giảm rủi ro và sự xung đột pháp lý, trong quá trình nhập khẩu tôm giống từ các nước về. Như thế, Việt Nam mới chủ động được kế hoạch sản xuất thủy sản theo mùa vụ, bảo đảm vấn đề an ninh ngành hàng giống thủy sản.
Nam Cường