(TSVN) – Cần Giờ, một vùng đất đang được bao phủ màu xanh cây cối, được xem là “lá phổi xanh” của TP Hồ Chí Minh nhưng đồng thời cũng chứa đựng những tiềm năng để giúp thành phố cất cánh vươn tầm lên thành một thành phố biển lớn của khu vực và thế giới.
Chỉ cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng một giờ di chuyển bằng đường bộ, biển Cần Giờ còn nối liền với biển Vũng Tàu, biển Gò Công, tạo thành một tam giác độc đáo, không chỉ phát triển du lịch mà còn hứa hẹn là trung tâm kinh tế biển, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy, hải sản. Biển Cần Giờ hiện chủ yếu phục vụ du lịch và người dân nuôi thủy sản; song tiềm năng phát triển của Cần Giờ còn rất lớn và TP Hồ Chí Minh cũng đang có những dự án xây dựng Cần Giờ thành một trung tâm du lịch, dịch vụ và thương mại lớn, sau nhiều năm vùng đất này chìm trong quên lãng. Hội Biển TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị xây dựng Cần Giờ thành bãi tắm nhân tạo lớn để người dân và du khách vui chơi, giải trí rèn luyện sức khỏe, thay vì chỉ nuôi nghêu như hiện nay.
Có mặt tại Cần Giờ, phóng viên được nhiều người dân cho biết: “Người dân Cần Giờ chúng tôi xưa nay vẫn sống nhờ biển, nhưng do thiếu cảng, thiếu chợ đầu mối đủ mạnh, nên khi thủy sản được khai thác về, chúng tôi thường cập bến Vũng Tàu để tiêu thụ cũng như sửa chữa tàu thuyền. Nếu Cần Giờ phát triển hệ thống cảng biển, ngư dân sẽ thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm”.
Theo lãnh đạo huyện Cần Giờ, trong 5 năm qua, ngành dịch vụ địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất đạt tăng trưởng 19,6%/năm, ngành công nghiệp – xây dựng tăng trưởng 16,7%/năm và ngành nông nghiệp – thủy sản 4,5%/năm; đặc biệt sôi động là ngành du lịch, doanh thu du lịch tăng bình quân 46,4%/năm; lượng du khách tăng bình quân 31,4%/năm. Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ có quy mô 2.870 ha, tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh đã được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch là Khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, M.I.C.E (hội thảo hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng), đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn… Trong đó, xã đảo Thạnh An, được xem là có một vị trí rất thuận lợi, phong cảnh đẹp, hoang sơ, có thể phát triển thành một xã đảo du lịch như Phú Quý hay đảo Phú Quốc. Có rất nhiều tuyến đường thủy để tiếp cận với đảo Thạnh An.
Điều lo ngại của các nhà chuyên môn, người làm văn hóa đó là việc phát triển Cần Giờ thành trung tâm du lịch, kinh tế biển liệu có làm ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ? Ngoài ra, tại huyện Cần Giờ hiện cũng có rất nhiều di tích văn hóa lịch sử nguyên sơ từ thời kỳ khai phá đất phương Nam, rất cần được bảo tồn. Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Thị Hậu cho biết: “Khảo cổ học Cần Giờ cho thấy, vùng đất này chứa đựng rất nhiều di chỉ khảo cổ giá trị của hàng nghìn năm lịch sử”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Hội biển TP Hồ Chí Minh, muốn bảo tồn Cần Giờ phải phát triển Cần Giờ; chỉ có phát triển mới có thể bảo tồn các giá trị lịch sử khỏi sự mai một, quên lãng.
Trong chiến tranh, Cần Giờ là căn cứ địa, nơi hoạt động của bộ đội đặc công nổi tiếng, luôn uy hiếp trung tâm hành chính của chính quyền Sài Gòn, chia cắt giao thông đường thủy của địch. Ngày nay, trong thời bình, Cần Giờ được TP Hồ Chí Minh quy hoạch thành một thành phố nghỉ dưỡng lớn nhất của thành phố cũng như khu vực. Dự kiến quy hoạch phát triển du lịch Cần Giờ sẽ được TP Hồ Chí Minh trình lên Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm nay.
Nguyễn Anh