Cần lộ trình phù hợp để loại trừ chất HCFC22 trong chế biến thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Sáng 15/10, tại Hà Nội, Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối phối hợp với Ban quản lý dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC22 (R22), giai đoạn I (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo góp ý cho dự thảo “Kế hoạch tổng thể về giảm thiểu tiêu thụ môi chất lạnh HCFC22 trong lĩnh vực chế biến thủy sản”. Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại nông, lâm, thủy sản và Nghề muối chủ trì.

Tại Hội thảo, ông Đoàn Xuân Hòa cho biết, R22 là loại khí gây tổn hại rất nghiêm trọng cho tầng ôzôn nhưng ở nước ta, loại khí này lại đang được sử dụng phổ biến trong ngành sản xuất xốp với gần 7.000 tấn, cấp đông lạnh và điều hòa không khí với khoảng hơn 3.000 tấn.Cùng đó là trong lĩnh vực chế biếnthủy sản cũng là ngành sử dụng nhiều nhất, với các thiết bị máy móc như tủ cấp đông, thiết bị làm lạnh… Với hơn 600 doanh nghiệp chế biến sản phẩm thủy sản đông lạnh, khoảng 80 kho lạnh độc lập, sức chứa lên từ 500 tấn trở lên. Phần lớn các thiết bị lạnh chạy bằng R22 là thiết bị đơn lẻ được đầu tư dần dần, chỉ một ít là có hệ thống liên hoàn. Điều này đang ảnh hưởng lớn tới bầu khí quyển, tác động xấu tới môi trường xung quanh, việc xây dựng dự thảo nghị định để giảm thiểu chất này là rất cần thiết.

R22 được phát minh từ năm 1928 và mau chóng trở thành một trong những tác nhân đông lạnh thông dụng nhất do những đặc tính như không độc, không cháy, giá tiền thiết bị thấp… Tuy nhiên, đây cũng là những chất gây tác động lớn tới hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ôzôn (đây là tấm lá chắn bảo vệ sự sống trên trái đất khỏi các tia cực tím có hại từ mặt trời). Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn được các nước phê chuẩn, tham gia năm 1987. Việt Nam tham gia Nghị định thư Montreal từ tháng 1/1994. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ NN&PTNT; Bộ Công thương cùng nhiều Bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp sử dụng chất R22… Theo lộ trình Nghị định thư Montreal, đến năm 2040, chất R22 sẽ được loại bỏ hoàn toàn trong tất cả ngành công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản… Hiện, Việt Nam, đã nhận được trên 7 triệu USD từ Quỹ đa phương thi hành Nghị định thư Montreal trong giai đoạn 1995 – 2010 và đang triển khai loại trừ các chất R22 giai đoạn I (2012 – 2017)

Ông Lương Đức Khoa, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, các giải pháp cho kế hoạch loại trừ các chất HCFC trong giai đoạn I là sản xuất xốp cách nhiệt, hỗ trợ về kỹ thuật và tuyên truyền nâng cao nhận thức của các đơn vị, cùng đó là các giải pháp về mặt chính sách (đó là việc không cấp phép thành lập mới các doanh nghiệp sản xuất thiết bị sử dụng R22, giảm sử dụng chất này cho dịch vụ sửa chữa thiết bị làm lạnh…). Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi các chất trong chế biến thủy sản còn khó khăn vì chi phí lớn, việc thực hiện đồng bộ cần có thời gian.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề về tính cấp thiết của việc ra đời dự thảo Nghị định “Kế hoạch tổng thể về giảm thiểu tiêu thụ môi chất lạnh R22 trong lĩnh vực chế biến thủy sản”, những giải pháp cần thực hiện. Ông Nguyễn Việt Dũng, Khoa Điện lạnh Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, việc ra đời Nghị định là rất cần thiết, bởi nếu không thực hiện việc cắt giảm và loại trừ các chất R22 thì Việt Nam sẽ trở thành bãi rác công nghệ. Tuy nhiên, loại bỏ chất này cũng cần thời gian, mỗi đơn vị doanh nghiệp cần xây dựng một lộ trình cụ thể, để có hiệu quả nhất định. Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, đây mới chỉ là bước đầu vào cho việc thực hiện Nghị định, điều cần thiết là phải có một văn bản cụ thể về kế hoạch hành động, vai trò, nhiệm vụ của các bên tham gia, quá trình thực hiện như thế nào.

>> Cả nước hiện có khoảng 70 doanh nghiệp sản xuất xốp, 30 doanh nghiệp sản xuất máy cấp đông cho các kho lạnh, 10 doanh nghiệp sản xuất máy điều hòa không khí và hơn 400 doanh nghiệp chế biến thủy hải sản có kho lạnh. Điều đáng nói là phần lớn doanh nghiệp này có công nghệ sản xuất khá lạc hậu. Do vậy, với mục tiêu phải cắt giảm 10% lượng khí sử dụng hàng năm là một thách thức lớn của Việt Nam trong việc tuân thủ Nghị định thư Montreal.

Linh Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!