(TSVN) – Đây là một trong những ý kiến đóng góp tại Hội nghị sơ kết Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 7/4/2017 của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao vừa diễn ra.
Tại Hội nghị, ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cần Thơ, cho biết hiện thành phố có 45 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu bình quân của mặt hàng cá tra hàng năm đạt khoảng 500 triệu USD, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.
Tại Cần Thơ đã có 4 cơ sở sản xuất tiếp nhận 8.800 con cá bố mẹ từ nguồn giống mới Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 ở Nha Trang để nhân giống, phục vụ cho nuôi thương phẩm. Đàn cá bố mẹ này đến này đã tạo ra 500 triệu cá giống, đáp ứng cho trên 100 ha nuôi thương phẩm với năng suất đạt từ 250 – 300 tấn/ha. Toàn thành phố hiện có 2 hợp tác xã, 35 hộ nông dân liên kết với các nhà máy và 9 doanh nghiệp tham gia nuôi cá tra với diện tích 251 ha. 301 cơ sở nuôi cá tra được cấp mã số nhận diện, với tổng diện tích 580 ha.
Tại hội nghị, bà Lê Ngọc Diện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ kiến nghị xây dựng mô hình truy xuất nguồn gốc điện tử đối với mặt hàng cá tra thông qua theo dõi dữ liệu ao nuôi hàng ngày. Đồng thời, nghiên cứu tiếp tục giảm hệ số sử dụng thức ăn trong nuôi cá tra (hiện mỗi kg cá tra thương phẩm cần khoảng 1,5 kg thức ăn) từ đó góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Với đề xuất này, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, đề nghị ngành nông nghiệp sớm tham mưu cho UBND thành phố để thực hiện được hai đề tài là truy xuất nguồn gốc điện tử và giảm hệ số thức ăn trong chăn nuôi. Đây là hai yêu cầu rất thiết thực và cũng là điều kiện để thành phố thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.