Hiện nay, người nuôi tôm công nghiệp hầu như ai cũng sử dụng mô tơ điện để chạy quạt, máy sục khí…, thay vì phải chạy máy dầu như trước đây. Bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại thì tai nạn lao động do điện trong nuôi tôm ngày càng tăng, chủ yếu do sử dụng điện không an toàn.
Coi thường nguy hiểm
Những năm gần đây, nhiều vùng nuôi tôm tập trung ở ĐBSCL đã được nhà nước đầu tư hạ thế điện 3 pha, còn những hộ nuôi ngoài quy hoạch, phát sinh nhỏ lẻ không lắp được bình biến áp thì lén lút sử dụng điện sinh hoạt để chạy mô tơ nên việc sử dụng điện trong nuôi tôm là rất phổ biến.
Qua khảo sát, thông thường đường dây điện kéo từ bình hạ thế hoặc từ đồng hồ điện trong nhà đến các ao nuôi tôm rất dài nhưng người nuôi không sử dụng các cột xi măng để làm trụ đỡ mà chỉ dùng những cây gỗ tạp hoặc treo trên cây xanh. Trong khi đó, dây điện được mắc trực tiếp vào trụ đỡ mà không có sứ cách điện, nhiều nơi để dây điện treo lòng thòng phía trên, thậm chí rải dây diện trên mặt đất dọc theo bờ ao tôm.
Nhiều trường hợp tử vong đáng tiếc xảy ra có nguyên nhân từ sử dụng điện trong nuôi tôm không an toàn (ảnh chụp tại xã Phú Tân, huyện tân Phú Đông, Tiền Giang)
Bên cạnh đó, nhiều nông dân chỉ sử dụng điện một pha (một dây nóng), còn dây nguội được dẫn xuống đất để tiết kiệm chi phí dây. Dây điện không được kiểm tra, thay thế định kỳ mà để bong tróc, có nơi chỉ còn lõi đồng. Mối nối giữa các dây điện không được quấn băng keo cách điện cẩn thận, rất nguy hiểm nếu chạm phải.
Đa số nông dân khi lắp đặt mô tơ điện không sử dụng dây nối đất an toàn để giảm nguy hiểm khi có sự cố về điện. Mô tơ điện không được bảo quản tốt, che chắn không kỹ, vị trí đặt máy ở nơi ẩm thấp rất dễ dẫn đến hư hỏng, trạm điện. Cầu dao ngắt điện thì ở nơi quá xa, gây khó trong xử lý khi có tai nạn.
Để hạn chế tai nạn về điện
Người nuôi tôm cần lưu ý: Đường dây điện phải dùng dây bọc cách điện hoặc cáp điện, tiết diện dây phải phù hợp với công suất sử dụng nhưng tối thiểu không nhỏ hơn 2,5 mm2. Khi kéo điện nên sử dụng đủ dây nóng và dây nguội để bảo đảm dòng điện đi qua đủ tải, bởi nếu chỉ kéo một dây thì dòng điện sẽ tản làm tốn kém điện năng và dễ hư hỏng thiết bị điện.
Cầu dao, công tắc, ổ cắm phải đặt ở nơi khô ráo, thuận tiện cho việc sử dụng, tránh bị nước xâm phạm. Các trụ đỡ dây điện bằng gỗ, mục, không vững hay gắn trên cây xanh cần nhanh chóng thay thế bằng các trụ bê tông đúc sẵn. Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện để sửa chữa, thay thế kịp thời.
Trong trường hợp cho các hộ khác câu điện nhờ phải thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện đường dây mất an toàn như: sử dụng điện một pha; dây có tiết diện nhỏ, võng thấp; trụ đỡ bằng tre gỗ mục hoặc câu kéo lên cây xanh… phải tạm ngắt điện và yêu cầu thuê thợ điện chuyên nghiệp để sửa chữa đúng yêu cầu kỹ thuật.
Chỉ được sửa chữa các thiết bị điện khi đã cắt điện hoàn toàn, tránh vô ý mở cầu dao điện khi đang sửa chữa. Không được mở điện khi người sửa chữa thiết bị điện còn đang ở dưới ao tôm để tránh bị điện giật khi nước ao nhiễm điện.
Các hộ nuôi tôm khi sử dụng mô tơ điện nên lắp đặt thiết bị chống giật để đảm bảo an toàn. Thiết bị điện phải dùng phích cắm điện hoặc công tắc, không được dùng các vật liệu bằng kim loại tự chế câu móc vào dây dẫn. Dây dẫn điện phải nối bằng cách vặn xoắn và phải nối so le với nhau, sau đó dùng băng keo cách điện bọc kín mối nối.
Khi lắp đặt mô tơ điện cần sử dụng dây nối đất an toàn để giảm nguy hiểm khi có sự cố về điện xảy ra. Cần đặt mô tơ điện ở nơi khô ráo, tránh tiếp xúc với nước. Cầu dao ngắt điện, công tắc, ổ cắm phải được lắp đặt ở nơi an toàn, thuận lợi cho xử lý sự cố.
>> Khi phát hiện nạn nhân bị tai nạn do điện cần nhanh chóng cúp cầu dao hoặc dùng cây gỗ khô tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện. Tuyệt đối không sơ cấp cứu người bị nạn bằng phương pháp đắp sình, bùn hoặc tưới bia, chỉ nên sơ cứu bằng hình thức hà hơi, thổi ngạt kết hợp với ép tim ngoài lồng ngực. Nếu thực hiện đúng động tác, người gặp nạn sẽ nhanh chóng hồi phục và giảm nguy cơ tử vong. |