Cần ưu tiên giải quyết nợ xấu

Chưa có đánh giá về bài viết

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa công bố Báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2013 và Những khuyến nghị chính sách cho giai đoạn 2013 – 2015.

Báo cáo nêu rõ, giải quyết nợ xấu là một trong những điểm nóng chính sách năm 2013; đồng thời khuyến nghị ưu tiên hàng đầu trong giải quyết nợ xấu phải hướng đến ngành thủy sản. Trước đó, tháng 1/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP, về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; trong đó có giải pháp cho doanh nghiệp (DN) gia công, sản xuất, chế biến thủy sản.

Giải quyết nợ xấu ngành thủy sản đang là yêu cầu rất bức thiết

Có thể thấy, năm 2012 là năm đầy khó khăn của ngành thủy sản. Sau một thời gian phát triển ồ ạt không theo quy hoạch, ngành kinh tế đầu tàu của ĐBSCL vướng nhiều hệ lụy; hàng loạt DN chế biến thủy sản nợ nần chồng chất, không lối thoát. Nhiều DN buộc phải tuyên bố phá sản theo hiệu ứng dây chuyền. Năm 2012, 300 DN chế biến và xuất khẩu thủy sản (chiếm 30% số DN trong lĩnh vực này) bị “xóa tên”. Hầu hết DN bị “xóa tên” đều gặp khó khăn về thị trường và vốn sản xuất. Kéo theo đó là hàng chục nghìn người lao động mất việc làm, phải về quê, gây sức ép việc làm đối với khu vực nông thôn và ảnh hưởng lớn đến mục tiêu an sinh xã hội.

Nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản năm 2013 sẽ đối mặt nhiều khó khăn, thách thức hơn nữa, nếu không kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trước đó. Vì vậy, giải quyết nợ xấu để góp phần tái cơ cấu ngành thủy sản là yêu cầu bức thiết. Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chi phí để giải quyết nợ xấu trong lĩnh vực thủy sản không quá lớn, nếu so với nợ xấu của lĩnh vực bất động sản hay năng lượng. Bởi vậy, chỉ cần có cơ chế khuyến khích phù hợp là có thể giúp ngành chế biến thủy sản thực hiện hiệu quả quá trình sàng lọc và tái cơ cấu.

Theo chúng tôi, một số chính sách sẽ sớm mang lại hiệu quả thiết thực là: cơ cấu lại nợ cho DN; tăng hạn mức tín dụng, giảm lãi suất, điều chỉnh kỳ hạn; tiếp tục cho vay bằng ngoại tệ để giảm chi phí vốn; mua lại nợ cho DN, kết hợp việc giám sát dòng tiền, bảo đảm sử dụng đồng tiền đúng mục đích, không đầu tư ngoài ngành.

Nhiều năm qua, ngành thủy sản luôn được thừa nhận có lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh quốc tế cao, luôn giữ vai trò ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, tạo ra ngoại tệ cho đất nước năm sau nhiều hơn năm trước – (Năm 2012, xuất khẩu thủy sản đạt 6,18 tỷ USD, có tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn). Vì vậy, việc ưu tiên giải quyết nợ xấu cho ngành thủy sản theo khuyến nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cần sớm được triển khai.

Phương Đông

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!