Ngoài khai thác rong mơ, tình trạng đánh bắt thủy sản bằng thuốc nổ mang tính tận diệt, khai thác cát biển ồ ạt.
Tỉnh Quảng Ngãi đang xây dựng Đề án thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn nhằm bảo vệ tài nguyên biển, đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái biển đảo. Tuy nhiên trên thực tế, để Lý Sơn trở thành Khu bảo tồn biển, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Gần hai năm nay, ngư dân Nguyễn Thành ở thôn Đông xã An Hải và bà con ngư dân ở huyện Lý Sơn vất vả mưu sinh do ngư trường bị thu hẹp và ngồn lợi thủy sản gần bờ đang dần cạn kiệt. Ông Thành cho biết, tình trạng khai thác rong mơ trứng chuồn ồ ạt đã làm mất đi nơi trú ngụ của tôm cá.
Dân Lý Sơn đổ rác xuống biển
Rong mơ trứng chuồn hay còn gọi là rong mơ trứng sống bám vào rạn san hô, các tảng đá ngầm dưới biển quanh đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là nguồn thức ăn chính và cũng là nơi trú ngụ, sinh sản của các loài hải sản ven bờ. Khai thác rong mơ đã mang lại thu nhập đáng kể cho người dân đảo Lý Sơn.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng khai thác rong mơ cũng như hạn chế việc dùng tàu công suất lớn khai thác hải sản ven bờ, thế nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, làm cạn kiệt nguồn thủy sản.
Ngoài khai thác rong mơ, tình trạng đánh bắt thủy sản bằng thuốc nổ mang tính tận diệt, khai thác cát biển ồ ạt…, khiến hệ sinh thái biển quanh đảo Lý Sơn ngày càng suy giảm, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Do vậy, bảo vệ tính đa dạng sinh học vùng biển đảo Lý Sơn cấp bách hơn bao giờ hết.
Ông Trần Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển huyện Lý Sơn cho biết, đề án Khu bảo tồn biển Lý Sơn được quy hoạch trên diện tích gần 8.000 ha, trong đó hơn 7.000 ha diện tích mặt nước biển để bảo tồn, phục hồi và phát triển hệ sinh thái biển.
Khu bảo tồn biển Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nằm trong Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc thành lập khu bảo tồn biển Lý Sơn là nhiệm vụ cấp bách, gắn kết bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái biển đảo theo hướng bền vững.