Cấp bách hệ thống đê điều cho vùng tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Không phải ngẫu nhiên, trong một hội thảo khoa học quốc tế về quy hoạch phát triển ĐBSCL, các nhà khoa học Hà Lan đã xem vấn đề xây dựng hệ thống đê điều tại đây chính là mấu chốt mọi vấn đề. Bởi bài toán thủy lợi ở các vùng nuôi tôm vẫn còn khá nan giải.

Khi mặn lấn ngọt

Hệ thống kênh mương nội đồng hiện nay vốn để phục vụ trồng lúa, mà mùa lúa và mùa tôm khác hẳn nhau, bởi vậy công năng của hệ thống đê điều bị hạn chế khá nhiều. Việc sử dụng hệ thống đê lúa sang đê tôm được cảnh báo là có thể làm mặn hóa đất đai. Độ mặn khoảng 5‰ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trồng trọt. Ví như tại tỉnh Cà Mau, nơi có 550 ha nuôi tôm đã được quy hoạch. Hệ thống đê điều được đầu tư khá nhiều và góp phần đáng kể cho thành công của ngành tôm tại đây. Song đầu năm nay, dư luận lại dấy lên sự lo ngại về tình trạng mặn hóa. Ba huyện U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời nằm trong vùng quy hoạch ngọt hóa nhưng đã có gần 5.000 ha đất bị mặn hóa, do người dân tự ý dẫn mặn về nuôi tôm xen canh.

Người dân khát nước mặn để nuôi tôm – Ảnh: Phan Thanh Cường

Nghiên cứu cho thấy hiệu quả nuôi tôm cao gấp đôi trồng lúa. Việc cải tạo hệ thống đê điều phục vụ nuôi tôm diễn ra chậm chạp và cần nguồn vốn rất lớn. Người dân thì “không thể đợi” nên họ đã tự chuyển sang nuôi tôm trước khi hệ thống thủy lợi được hoàn thiện. Đất đai bị nhiễm mặn do quá trình đưa nước mặn vào các đầm nuôi tôm rồi sau đó lại xả thải ra xung quanh. Một nghiên cứu tại huyện Giá Rai tỉnh Bạc Liêu cho thấy, chỉ trong 4 năm (2000 – 2004) diện tích đất mặn của huyện này đã tăng gần 20 lần.

 

Xây hồ chứa nước ngọt khổng lồ?

Các nhà khoa học cho biết, để rửa một vuông nuôi tôm bị mặn cần phải rửa nhiều lần, mỗi lần như thế cần khoảng 2.000m3 nước/ha; việc rửa mặn nên diễn ra lúc trời nắng to và vào đầu mùa mưa. Lấy đâu ra nước ngọt? Người ta phải chờ vào nước mưa,mà nhiều năm liền lượng mưa có xu hướng giảm; nước sông, nước kênh cũng đang có hướng giảm lưu lượng do rất nhiều đập thủy điện tích nước trên thượng nguồn. Mực nước ngầm quý giá của ĐBSCL những năm gần đây bị khai thác ngày càng cạn kiệt.

Một số nhà khoa học Hà Lan từng đưa ra ý tưởng “xây hồ chứa nước ngọt khổng lồ” để ngọt hóa và ngăn mặn. Ý tưởng đòi hỏi một nguồn kinh phí không nhỏ và hiệu quả của nó đến đâu vẫn còn bỏ ngỏ, bởi diện tích đồng bằng rất lớn và quá trình biến đổi khí hậu có thể khiến tình trạng ngập mặn tăng khó lường. “Xây bao nhiêu hồ cho đủ?”. Các nhà khoa học Việt Nam như GS Võ Tòng Xuân ủng hộ quan điểm sống chung với biến đổi khí hậu, hạn chế xây dựng các siêu công trình để đối phó thiên nhiên mà tùy theo từng địa hình cụ thể để có phương pháp phù hợp. Thậm chí ý kiến đào những con kênh mới để dẫn nước ngọt từ các dòng sông lớn đến một số tỉnh, huyện để chống mặn cũng được nêu ra một cách nghiêm túc.

Hiện nay, người dân ĐBSCL vẫn canh tác dựa theo diễn biến thời tiết, thủy triều và mực nước biển mỗi mùa. Họ sẽ thả giống theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, lấy nước mặn trong những thời điểm phù hợp. Lối canh tác cơ động này khiến cho mùa vụ không thực sự ổn định và diện tích biến động thất thường; bù lại, việc đầu tư vào thủy lợi không cần phải quá lớn và vẫn tận dụng được hệ thống đê điều hiện tại.

Việc sử dụng hệ thống đê điều dành cho trồng lúa vào nuôi tôm bộc lộ một số hạn chế. Hệ thống đê lúa chỉ sử dụng một chiều là cấp nước, trong khi đó đê tôm phải đảm bảo hai chiều cả cấp nước và thải nước. Người dân cho biết: Vùng nuôi phía trên thải ra thì vùng nuôi ở thấp hơn lại lấy nước đó để sử dụng, bởi chỉ có một dòng kênh, nguy cơ dịch bệnh lan rộng luôn đe dọa. Dự báo tình trạng ô nhiễm sẽ ngày càng trầm trọng hơn khi nuôi quy mô công nghiệp, đặc biệt khi phát triển tôm thẻ chân trắng.

 

Xây dựng hệ thống kênh đa năng

Chính phủ rất quan tâm hệ thống đê điều tại ĐBSCL, với nhiều đầu tư và dự án. Nhưng vùng ĐBSCL có đặc điểm riêng là liên thông với nhau, do đó phải có sự thống nhất trong quản lý đầu tư thì mới tránh khỏi sự lãng phí, chồng chéo và phát huy được hiệu quả. Đặc biệt hệ thống kênh mương vùng này có nhiều chức năng (như trồng lúa, nuôi thủy sản, cung cấp nước sinh hoạt, duy trì mạng lưới giao thông, điều hòa khí hậu và môi trường…).

ĐBSCL hiện đã có 5 hồ chứa, 1.221 trạm bơm quy mô vừa đến lớn, 2.447 cống. Đặc biệt hệ thống kênh dài trên 80.000 km (gồm kênh trục, cấp 1, cấp 2 và cấp 3); Các công trình thủy lợi thực tưới được 3.126.350 ha . Quy hoạch thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2012 – 2020 và định hướng đến năm 2050 kinh phí dự kiến 171.700 tỷ đồng. Xây dựng, củng cố đê biển 6.370 tỷ đồng; đê sông khoảng 11.660 tỷ đồng; kênh tiếp nước, hồ chứa khoảng 4.980 tỷ đồng; hoàn thiện hệ thống thủy nông nội đồng 125.310 tỷ đồng.

Theo các nhà khoa học và người nuôi tôm thì vấn đề ở chỗ làm sao cho số tiền đầu tư có hiệu quả nhất, tức là hệ thống đề điều phải đáp ứng được yêu cầu phát triển toàn diện đồng bằng bao gồm cả trồng cây lương thực, nuôi trồng thủy hải sản và ngăn mặn, giao thông. Nếu chỉ tập trung vào trồng trọt và chỉ tập trung gia cố hệ thống đê lúa thì chưa đáp ứng được sự phát triển của vùng mà cần phải tính toán để đầu tư mới cho hệ thống đê điều phục vụ cả nuôi trồng thủy sản cho phù hợp quy hoạch phát triển ngành thủy sản tại đây. Trong một số hội nghị ngành tôm gần đây, ngay cả cán bộ các sở NN&PTNT cũng bày tỏ ý kiến lo ngại rằng đầu tư vào hệ thống thủy lợi hiện còn rất hạn chế và chưa thực sự ưu tiên cho ngành tôm.

>> Hầu hết người nuôi tôm đều cho rằng, lý tưởng nhất là hệ thống cấp nước và hệ thống nước thải cho vùng tôm khác hẳn nhau, nhằm giữ nguồn nước sạch cung cấp cho người sản xuất và dễ dàng kiểm soát, xử lý nguồn nước thải ra từ ao đầm.

Trần Ngọc Tiên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!