(TSVN) – Hiện nay, hầu hết các cảng cá trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ đang lâm tình trạng “áo đã quá chật”, không đáp ứng được các hoạt động của nghề cá, nhất là đáp ứng khuyến nghị của EC trong chống khai thác IUU. Thực trạng này cần sớm khắc phục, để có thể đáp ứng lộ trình chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm.
Ở Bình Định, địa phương có 3 cảng cá đã được công nhận là cảng cá loại II, được UBND tỉnh này và Bộ NN&PTNT công bố là cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác, đó là các cảng cá Quy Nhơn (TP Quy Nhơn), Đề Gi (huyện Phù Cát) và Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn). Sau nhiều lần nâng cấp, hiện nay, 3 cảng cá nói trên đã không còn nhếch nhác, nhưng hạ tầng vẫn chưa thể đáp ứng được các hoạt động của nghề cá, nhất là khi số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ trên địa bàn không ngừng tăng trưởng.
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, tỉnh này hiện có gần 6.000 tàu cá, đó là chưa kể đến khoảng 200 – 300 tàu cá các tỉnh khác về neo đậu trong những mùa mưa bão, thế nhưng năng lực tại các khu neo đậu chỉ có thể tiếp nhận khoảng 5.300 tàu. Cơ sở hạ tầng nghề cá và dịch vụ hậu cần nghề cá tuy đã được đầu tư, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản.
Bộ NN&PTNT dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng thiết yếu của tất cả các cảng cá và các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2030 là gần 58.000 tỷ đồng. Ảnh: Vũ Mưa
“Đặc biệt, các khu neo đậu tàu thuyền hiện nay đã quá tải, thiếu trầm trọng nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đạt chuẩn, đáp ứng phục vụ nhu cầu cho tàu cá trong tỉnh và khu vực”, ông Trần Văn Phúc cho hay.
Tương tự, tỉnh Ninh Thuận hiện có 2 cảng cá loại II là Ninh Chữ, Cà Ná và 2 cảng cá loại III là Đông Hải và Mỹ Tân. Tuy nhiên, do hạ tầng các cảng cá được đưa vào sử dụng đã lâu, đến nay một số hạng mục công trình đã xuống cấp trầm trọng. Luồng và vũng đậu tàu của các cảng cá bị cạn, hẹp, do hàng năm bị bão lũ tác động. Hệ thống mương thu gom nước thải, đường nội bộ, mặt bằng cầu cảng bị hư hỏng, bong tróc.
Đặc biệt, Cảng cá Đông Hải là cảng cá trung tâm, phân phối hàng hóa hải sản đi các địa phương lân cận, nhưng thực trạng hiện nay diện tích đất chỉ có 1,8 ha, không đảm bảo theo tiêu chí cảng cá loại II là phải có diện tích đất từ 2,5 ha trở lên. Thêm vào đó, khu tiếp nhận bốc dỡ hàng hóa hải sản chưa có mái che ảnh hưởng đến chất lượng bảo quản sản phẩm sau khai thác.
“Do tình trạng xuống cấp các cảng cá ở Ninh Thuận mà phần nào đã ảnh hưởng đến các tàu cá trong và ngoài tỉnh ra vào cảng mua bán sản phẩm. Mặt khác, cơ sở hạ tầng cảng cá xuống cấp cũng ảnh hưởng đến công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh ATTP chưa đáp ứng kịp thời việc truy xuất nguồn gốc thủy sản sau khai thác”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, cho hay.
Hệ thống cảng cá ở các tỉnh Quảng Nam, Bình Thuận, Phú Yên… cũng không ngoại lệ. Toàn tỉnh Phú Yên có 4 cảng cá gồm: Tiên Châu, Dân Phước, Đông Tác, Phú Lạc và 2 bến cá Xuân Cảnh, phường 6. Trong đó, Cảng cá Đông Tác quy hoạch loại I nhưng đầu tư chưa đáp ứng tiêu chí nên công bố loại II. Hạ tầng cảng cá này cơ bản đáp ứng cho đội tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 m trở lên. “Tuy nhiên, điều hạn chế hiện nay tại các cảng cá là luồng lạch bị bồi lấp cạn hẹp gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào nhưng chưa được thực hiện nạo vét”, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, cho hay.
Còn Cảng cá Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận là cảng cá loại I, được đưa vào sử dụng vào năm 2000, có 3 khu gồm: Bến Cồn Chà, bến 40 CV và bến 400 CV. Sau nhiều lần nâng cấp, hạ tầng bến 400 CV của Cảng cá Phan Thiết hiện đã khá hoàn thiện, tuy nhiên, đối với bến 40 CV hiện nay cơ sở còn lạc hậu, luồng lạch bồi lấp, nên gây khó khăn, nguy hiểm cho các tàu cá ra vào khu vực này. Cầu cảng này được đầu tư xây dựng gần 20 năm với chiều dài 360 m. Cách đây 7 năm về trước cầu cảng đáp ứng công suất tàu thuyền ra vào cập cảng nhưng những năm sau đó, luồng lạch khu khu vực này bị bồi lấp nên không còn phát huy hiệu quả.
Các cảng cá ở tỉnh Quảng Nam hiện vẫn chưa được đầu tư tương xứng, trong khi đó thời gian sử dụng đã lâu khiến cho các hạng mục công trình dần xuống cấp, không đáp ứng được neo đậu, tránh trú bão của tàu thuyền cũng như hoạt động bốc dỡ, mua bán thủy sản.
Xác định cần phải đầu tư nâng cấp các cảng cá trên địa bàn để đáp ứng yêu cầu của EC, nhằm góp phần gỡ “thẻ vàng” IUU, giữa năm 2019, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã tham mưu UBND tỉnh có báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020 và dự kiến nhu cầu đầu tư công trung hạn 5 năm, giai đoạn 2021 – 2025, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các công trình thủy lợi, thủy sản đăng ký sử dụng nguồn vốn của Bộ NN&PTNT giai đoạn 2021 – 2025.
Trong đó, dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp Cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn) là dự án ưu tiên số 1 thuộc lĩnh vực thủy sản với tổng mức đầu tư 472 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ 90% (tương đương 425 tỷ đồng), vốn ngân sách tỉnh 10% (tương đượng 47 tỷ đồng).
Theo đó, dự án sẽ hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng Cảng cá Tam Quan để đạt tiêu chuẩn cảng cá loại I; hình thành 11 khu dịch vụ hậu cần đáp ứng nhu cầu tàu thuyền khai thác khi bình thường cũng như khi neo đậu trú tránh bão, là tiền đề cho việc phát triển kinh tế biển tại Hoài Nhơn nói riêng và của tỉnh Bình Định nói chung. Cải tạo và mở rộng khu vực neo đậu đạt cấp vùng, tạo ra khu neo đậu có sức chứa trên 2.000 tàu có công suất từ 400 – 1.000 CV tránh trú bão, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của ngư dân Bình Định và khu vực miền Trung trong mùa mưa bão.
“Dự án kết hợp phát triển dịch vụ hậu cần phục vụ cho các chuyến biển, giúp cho ngư dân an tâm sản xuất trên vùng biển xa. Nâng cao năng lực giám sát và hỗ trợ thiết bị giám sát hành trình tàu cá cho ngư dân. Đặc biệt là hỗ trợ năng lực quản lý cho việc xây dựng và phát triển chuỗi cá ngừ đại dương tỉnh Bình Định; nâng cao năng lực quản lý giám sát môi trường và dịch bệnh trong NTTS”, ông Trần Văn Phúc chia sẻ.
Còn tại Phú Yên, theo ông Nguyễn Tri Phương, HĐND tỉnh Phú Yên đã ban hành Nghị quyết số 99 về Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Phú Yên sẽ có 7 cảng cá loại III, 3 cảng cá loại II, 1 cảng cá loại I và 7 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, trong đó có 1 khu neo đậu cấp vùng. Cũng theo ông Phương, để đảm bảo điều kiện thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, đồng thời tạo điều kiện cho tàu cá neo đậu tránh trú bão an toàn, thuận lợi; bốc dỡ hàng hóa tại các cảng cá, đảm bảo ATTP, vệ sinh môi trường, tỉnh Phú Yên kiến nghị Trung ương hỗ trợ nâng cấp Cảng cá Đông Tác thành cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá cá ngừ tỉnh Phú Yên; tổng mức đầu tư khoảng 219 tỷ đồng.
Tỉnh Quảng Nam đang thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia xây dựng, quản lý cơ sở hạ tầng cảng cá; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh của cảng cá theo quy định của pháp luật như: Xây dựng nhà máy nước đá, trạm xăng dầu cung cấp cho tàu cá. Đồng thời, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ mới trong xây dựng, bảo trì các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; nâng cao tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa, công nghiệp hóa trong các hoạt động, nhất là trong bốc xếp hàng hóa, bảo quản, sơ chế thủy sản tại các cảng cá.
Ông Đặng Kim Cương khẳng định: “Việc nâng cấp hệ thống cảng cá trước tiên là để đáp ứng việc gỡ “thẻ vàng” của EC theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thứ đến là phát triển kinh tế biển của các địa phương ven biển. Việc nâng cấp hệ thống cảng cá đáp ứng nhu cầu thực tế của các địa phương, cân bằng giữa chính sách phát triển tàu cá có công suất lớn vươn khơi với hạ tầng cảng cá; đảm bảo chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm hải sản sau khai thác, đồng thời từng bước hiện đại hóa trong lĩnh vực khai thác thủy sản”.
>> Dự án xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu, thuyền kết hợp cảng cá tại khu vực bắc sông Gianh, tỉnh Quảng Bình với tổng vốn đầu tư là gần 350 tỷ đồng đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt. Dự án với nhiều hạng mục như trụ neo, kè bờ, phao neo, nạo vét đảm bảo độ sâu khu neo đậu, hệ thống báo hiệu và công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ cho khu neo đậu... Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ đảm bảo cho từ 800 - 1.000 tàu, thuyền có công suất đến 1.000 CV có thể neo trú bão an toàn. Công trình này cũng đáp ứng nhu cầu phục vụ hậu cần nghề cá ở tỉnh Quảng Bình và các tỉnh lân cận vùng duyên hải Trung bộ. Hiện, tỉnh Quảng Bình có 4 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu, thuyền với quy mô nhỏ chỉ đáp ứng được cho khoảng gần 1.200 tàu, thuyền đánh bắt hải sản. Tỉnh Quảng Bình cũng chỉ có 3 cảng cá đang hoạt động vởi lượng hải sản qua cảng khoảng gần 60.000 tấn. Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu, thuyền kết hợp cảng cá tại Bắc sông Gianh đã góp phần giải quyết một phần nhu cầu phát triển hậu cần nghề cá ở tỉnh Quảng Bình, nên được đông đảo ngư dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ.
Vũ Đình Trung