(TSVN) – Cây tầm ma thuộc họ Urticaceae, có nguồn gốc châu u, Bắc Phi và châu Mỹ đang được đánh giá là nguồn dinh dưỡng mới nhưng đầy tiềm năng cho vật nuôi từ gia súc, gia cầm đến thủy sản.
Cây tầm ma (Urtica) có thành phần dinh dưỡng độc đáo gồm nguyên tố đa lượng đến vi chất dinh dưỡng (Bhusal et al 2022; Devkota et al 2022). Theo Jan et al (2016), cây tầm ma chứa nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng mang hoạt tính sinh học và nhiều tính năng hữu ích. Các hoạt chất sinh học gồm hợp chất phenolic như axit p-hydroxybenzoic, axit gentisic, acid quinic, rutin, quercetin. Ngoài ra, loại cây này cũng giàu hợp chất hữu cơ như aldehydes, alkenes, amines, amides và các hợp chất halogen hữu cơ, cùng chất thơm khác nhau.
Các nghiên cứu đều ghi nhận khả năng chống ôxy hóa của cây tầm ma. Những dưỡng chất quý trong cây tầm ma như axit ascorbic (vitamin C) và flavonoid đã giúp loại bỏ và tiêu tán chất hydrogen peroxide của gốc tự do superoxide anion.
Cây tầm ma cũng có hoạt tính kháng khuẩn mạnh nhờ các nhóm phenolic đặc hiệu. Các hợp chất phenolic trong dịch chiết cây tầm ma có khả năng chống lại một số loại vi khuẩn gram dương và nấm như Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus aureus và nhiều chủng Enterobacter-bacteria. Những vi khuẩn này liên quan đến nhiều mầm bệnh khác có trong cá và tôm. Chiết xuất cây tầm ma lên men có hoạt tính diệt nhiều chủng nấm khác nhau trên động vật. Đặc biệt, chiết xuất rễ và lá cây tầm ma có tác dụng điều chỉnh và ức chế tình trạng phát triển quá mức của nấm trong mô, từ đó hạn chế dịch bệnh lan rộng.
Tiềm năng dinh dưỡng của cây tầm ma đã được nghiên cứu trong chăn nuôi gia súc, gia cầm để đưa vào chế độ ăn thương mại. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, loại cây này giúp nâng cao sức khỏe cho vật nuôi, cải thiện trao đổi chất và đáp ứng miễn dịch. Theo nghiên cứu của Milosevic et al, 2021, cây tầm ma cung cấp chất dinh dưỡng và nhiều thành phần hoạt tính sinh học, giúp kích thích tăng trưởng và sử dụng thức ăn, điều chỉnh trao đổi chất và hỗ trợ miễn dịch ở gà thịt.
Theo báo cáo của De Vico et al (2018), cây tầm ma có đặc tính kích thích tăng trưởng và miễn dịch mạnh mẽ trên các loài cá nuôi. Tuy nhiên, ít ai để ý đến loại cây này; do đó, đến nay chúng vẫn là một nguồn dinh dưỡng “bị bỏ quên”. De Vico và nhóm cộng sự khẳng định, có thể sử dụng cây tầm ma dưới dạng bột trong chế độ ăn của cá nuôi công nghiệp như một phụ gia chức năng.
Awad and Austin (2010) phát hiện cây tầm ma có khả năng ngăn ngừa vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây bệnh nhiễm trùng huyết trên cá hồi vân (Oncorhynchus mykiss). Họ ghi nhận sau 14 ngày thử thách mầm bệnh, cá hồi vân được bổ sung phụ gia từ cây tầm ma đạt tỷ lệ sống cao hơn, số lượng tế bào hồng cầu, bạch cầu cũng nhiều hơn nhóm cá đối chứng.
Tác dụng miễn dịch
Hầu hết các nghiên cứu trên cá đều tập trung vào tác dụng của cây tầm ma đối với tình trạng miễn dịch. Zare et al (2023) nhận định cây tầm ma thúc đẩy tăng trưởng và kích thích miễn dịch ở cá. Saeidi Asl (2017) báo cáo loại cây này có hiệu quả cao đối với cá hồi vân và đã thử nghiệm khẩu phần bổ sung 0, 1, 2, 3% phụ gia tầm ma để đánh giá hiệu quả đối với tăng trưởng, chất nhầy trên da, phản ứng miễn dịch và khả năng kháng mầm bệnh sau 2 tháng. Theo đó, ở mức bổ sung 3%, cây tầm ma cải thiện tăng trưởng, và tỷ lệ biến đổi thức ăn đáng kể so với các nhóm khác.
Ngugi et al (2015) đã đưa bột cây tầm ma vào thức ăn của cá chép Ấn Độ và nhận thấy miễn dịch của vật nuôi được tăng cường đáng kể. Cá được chia thành 4 nhóm điều trị và cho ăn trong 4 và 16 tuần với các mức %, 1%, 2% và 5% bột tầm ma. Kết quả cho thấy, các thông số trao đổi chất, huyết học và miễn dịch của nhóm cá bổ sung bột tầm ma đều vượt trội. Cụ thể, thông số sinh hóa, cortisol, glucose, triglyceride và cholesterol trong huyết tương giảm, trong khi tổng lượng protein và albumin trong cá chép tăng tỷ lệ thuận với lượng bổ sung bột tầm ma. Sau thử thách với vi khuẩn A. hydrophila gây bệnh nhiễm trùng máu, nhóm cá được bổ sung 5% bột tầm ma đạt tỷ lệ sống tới 95%. Điều này khẳng định, bột tầm ma kích thích miễn dịch của cá và giúp vật nuôi cải thiện khả năng chống nhiễm khuẩn.
Mehrabi et al (2020) đã đánh giá khô dầu tầm ma ở các tỷ lệ 0,5; 1 và 1,5% đối với hiệu suất tăng trưởng của cá hồi vân. Vào cuối giai đoạn cho ăn kéo dài 8 tuần, cá được tiếp xúc với vi nấm Saprolegnia parasitica trong 3 tuần. Tất cả các nhóm cá hồi nhận chế độ ăn tầm ma đều đạt tăng trọng, tăng trưởng riêng (SGR) và tỷ lệ biến đổi thức ăn hiệu quả hơn nhóm đối chứng. Cá hồi vân được cho ăn 0,5% khô dầu tầm ma đạt biểu hiện gen TNF-α, IL-1b, IL-6 và IL-8 cao hơn sau 8 tuần cho ăn. Sau gây nhiễm S. parasitica, nhóm 0,5% khô dầu tầm ma có tỷ lệ chết giảm đáng kể so với nhóm đối chứng. Kết quả kiểm tra chất nhầy da cá cho thấy, nhóm cá được ăn tầm ma đã được tăng cường khả năng kháng mầm bệnh Streptococcus iniae, Yersinia ruckeri, Vibrio anguillarum và Lactococcus garvieae) trong chất nhầy. Hoạt tính của enzyme nhầy da gồm alkaline phosphatase, lysozyme, protease, và esterase được cải thiện rõ rệt ở nhóm 2% và 3% khô dầu tầm ma.
Tăng cường chức năng gan
Theo nhiều báo cáo, cây tầm ma tác động tích cực đến các thông số liên quan đến dấu hiệu sinh hóa máu, men gan, tình trạng chống ôxy hóa và thành phần hệ thống miễn dịch. Tỷ lệ bổ sung bột tầm ma tối ưu dao động 0,5%-3% tác động đáng kể đến tốc độ tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn. Một số enzyme liên quan đến gan như lactate dehydrogenase (LDH), Alanine transaminase (ALT) và aspartate aminotransferase (AST) giảm là dấu hiệu cho thấy gan khỏe hơn. Do đó, cây tầm ma giúp tế bào gan của cá có tính toàn vẹn cao hơn.
Cải thiện sức khỏe và phúc lợi
Martin và Hardy (2023) là những người tiên phong nghiên cứu về tiềm năng của cây tầm ma trong dinh dưỡng cho cá hồi Atlantic. Nhóm nghiên cứu này sử dụng phụ gia tầm ma Urtica+plus do công ty Urtica sản xuất tại Anh. Kết quả cho thấy, nhóm cá bổ sung 1% và 3% Urtica+plus có thông số máu khỏe mạnh. Ngoài ra, nhóm cá bổ sung 3% và 1% Urtica+plus đạt thông số toàn vẹn cấu trúc sức khỏe đường ruột vượt trội hơn.
Trong thử thách với vi khuẩn Aeromonas salmonicidia gây bệnh nhọt trên cá hồi, nhóm nghiên cứu ghi nhận cá đạt tỷ lệ sống 43,3% ở nhóm cá được cho ăn 3% phụ gia tầm ma; 36,7% ở nhóm cá ăn 1% phụ gia tầm ma và 33% ở nhóm đối chứng.
Tiềm năng của cây tầm ma trong dinh dưỡng thủy sản được chứng minh rõ ràng qua nhiều nghiên cứu. Các nhóm chuyên gia cho biết sẽ mở rộng nghiên cứu trên nhiều đối tượng tôm và cá khác, từ nước ngọt đến nước mặn để sớm đa dạng hóa sản phẩm phụ gia tầm ma phục vụ ngành nuôi trồng thủy sản.
Vũ Đức
Theo InternationalAquaFeed