(TSVN) – Nuôi tôm vụ Đông thường gặp nhiều rủi ro bởi thời tiết diễn biến thất thường, khiến môi trường không ổn định, tôm dễ mắc bệnh. Do đó, bà con cần nắm vững các kỹ thuật căn bản để chăm sóc và quản lý ao tôm hiệu quả.
Đây là giải pháp quan trọng nhất đảm bảo sự thành công của vụ nuôi. Để đảm bảo được nhiệt độ trong ngưỡng chịu đựng của TTCT, hệ thống ao ương, ao nuôi hoàn toàn phải được thiết kế có mái che bằng bạt hoặc các vật liệu polyme khác. Mái che được thiết kế phải phủ kín hoàn toàn ao ương và ao nuôi để tránh gió lùa cũng như tác động của nhiệt độ bên ngoài. Mực nước ao nuôi phải duy trì ở mức 1,5 m. Thường duy trì ổn định màu nước trong suốt vụ nuôi.
Sau khi thả giống phải cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. Cùng đó, cần bổ sung thêm khoáng, men tiêu hóa, Vitamin C, E,… để tăng cường sức đề kháng cho tôm.
Cho ăn 0,6 – 0,8 kg thức ăn/10 vạn PL12/ngày, sau đó 2 ngày tăng 1 lần với lượng tăng 0,2 – 0,3 kg/10 vạn.
Đến ngày thứ 30 nên có nhá (sàng) ăn và dùng các biện pháp kỹ thuật khác (định kỳ chài tôm để theo dõi quá trình tăng trưởng, lượng thức ăn trong ruột, quan sát diễn biến màu nước,…) và kinh nghiệm (ví dụ: Diễn biến thời tiết, vỏ tôm lột, cát xuất hiện trong nhá, tôm nhảy lên khỏi mặt nước khi có tiếng động hoặc ánh sáng vào ban đêm,… là dấu hiệu để nhận biết sức khỏe của tôm nuôi tốt) để kiểm tra tình hình sức khỏe và khả năng sử dụng thức ăn mà điều chỉnh theo từng lần cho ăn phù hợp theo bảng dưới.
Tuổi (ngày) |
Trọng lượng (g) |
Tỷ lệ thức ăn/ngày so trọng lượng thân |
Thức ăn trong nhá (g/kg thức ăn) |
Thời gian kiểm tra nhá |
31 – 40 | 2,5 – 3,5 | 5 – 7 | 10 | 2 |
41 – 50 | 3,5 – 5 | 4 – 5 | 10 | 2 |
51 – 60 | 5 – 7 | 3,5 – 4 | 10 | 2 |
61 – 70 | 7,5 – 9,5 | 3,3 – 3,5 | 10 – 20 | 2 |
71 – 80 | 9,5 – 12 | 3 – 3,3 | 20 | 1,5 – 2 |
81 – 90 | 12 – 15 | 2,8 – 3 | 20 | 1,5 |
91 – 100 | 15 – 18 | 2,5 – 2,8 | 20 – 30 | 1,5 |
Bảng: Tỷ lệ thức ăn cho ăn từ ngày thứ 31 đến thu hoạch
Số lần cho ăn: 4 lần/ngày vào các thời điểm 7h, 11h, 16h và 21h.
Sử dụng nhá ăn là rất quan trọng để kiểm tra việc cho ăn. Nhá ăn phản ánh khả năng sử dụng thức ăn, sức khỏe, tỷ lệ sống của tôm và điều kiện nền đáy ao.
Nước cấp hoặc bổ sung vào ao nuôi cần qua lưới lọc, đặc biệt, nên kiểm tra hàm lượng kim loại nặng như Cu, Zn, Fe,… và các loại khí độc H2S, NH3, SO2.
Do nuôi tôm trong nhà bạt nên lượng ôxy khuyếch tán từ không khí ít hơn so với nuôi tôm ngoài trời. Vì vậy, cần bố trí thời gian chạy quạt nước hợp lý để cung cấp đủ hàm lượng ôxy hòa tan cho tôm.
Định kỳ bổ sung chế phẩm sinh học để hạn chế ô nhiễm môi trường.
Nâng cao mực nước đạt tối đa để ổn định nhiệt độ.
Thời gian đầu, màu nước ao nuôi sẽ khó ổn định, vì vậy, cần theo dõi để xử lý kịp thời.
Đặc điểm của loại tôm này là phát triển đồng đều và được thả với mật độ cao nên quá trình lột xác sẽ diễn ra đồng loạt, dẫn đến độ kiềm dễ bị dao động. Do đó, cần thường xuyên bổ sung vôi nông nghiệp để ổn định độ kiềm.
Khi tôm đạt kích cỡ 50 – 60 con/kg tiến hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch cần theo dõi chu kỳ lột xác, hạn chế tình trạng tôm mềm vỏ vào thời điểm trên.
Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường và đảm bảo luôn nằm trong ngưỡng thích hợp. Khi ao nuôi có dấu hiệu bất thường cần báo với các cơ quan chức năng để có biện pháp phòng trị kịp thời.
ThS Nguyễn Trung
Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng