Chàng về tàu… em lại sinh con

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thuỷ sản Việt Nam) – “Cuối mùa biển năm ngoái, thôn này đồng loạt có hơn 50 bà bầu. Còn năm nay, lượng bà bầu có giảm hơn” – bà Trần Thị Kim Phụng – cộng tác viên dân số thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi thống kê.

“Tháng trăng mật”

Xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi là một trong những địa phương ven biển có mật độ dân số đứng hàng đầu của tỉnh – gần 20 ngàn khẩu – tương đương với dân số của một huyện miền núi.

Xã Nghĩa An như một cù lao đơn độc nằm kẹt chính giữa – phía ngoài là biển, phía trong là sông Phú Thọ. Chỉ có 2 con đường độc đạo để đến Nghĩa An. Tất cả nằm trên cát trắng, chính vì vậy, ngư nghiệp là kế mưu sinh duy nhất. Và đó cũng chính là nguyên nhân khiến các bà vợ phải năm lần bảy lượt “nằm ổ” để kiếm con trai – dân số từ đó tăng nhanh như xe bị đứt phanh.

 

Bà Trần Thị Kim Phụng – cộng tác viên dân số đang tiếp xúc với vợ các ngư dân

 

Trước năm 1994, dân số ở xã tăng khủng khiếp, giờ thì đã kiểm soát được – một cán bộ xã nhớ lại. Cũng theo anh: Nếu thống kê các “gia đình tiểu đội” thì rất nhiều: Ông Cao Chạn có 12 đứa con, gia đình ông Trần Xuất cũng đẻ tới 12 đứa… Những gia đình quân số đông, đời sống thường gặp nhiều khó khăn.

Trước mặt là sông, sau lưng là biển. Chuyện có con trai để đi biển đã ăn sâu vào nếp nghĩ của mọi người dân. Thế nên, công tác dân số tại xã Nghĩa An là bài toán làm đau đầu các ngành chức năng.

Xã Nghĩa An có 2 thôn Phổ Trường và Phổ An, các ngư dân cứ đầu năm nhổ neo, cuối năm trở về. Thế nên, bắt đầu vào ngày 10 tháng Chạp, hàng ngàn ngư dân nườm nượp đổ về quê. Ăn Tết xong (tức tròn một tháng), các ngư dân này lại khăn gói lên đường.

Và thời gian đó chính là tháng trăng mật. Vợ một ngư dân nói nhỏ: “Mấy ổng về ào ào cứ như nước đổ. Nhiều nhà tối tắt điện sớm, 8 giờ sáng vẫn hổng chịu mở cửa. Một tháng sau mấy ổng lại ào ào đi. Ba tháng sau là cả xóm xuất hiện bà bầu bụng bự”.

Đi trên xã Nghĩa An, nhiều người ngỡ như lạc vào một bàn cờ – nhà cửa san sát, người đi chen chân, đầu đường, cuối xóm đều có bóng dáng những người mẹ tay bế tay bồng.

“Cuối mùa biển năm ngoái, thôn này đồng loạt có hơn 50 bà bầu, còn năm nay thì lượng bà bầu có giảm hơn. Hiện ước tính toàn thôn có trên 30 chị sắp sinh” – bà Trần Thị Kim Phụng – cộng tác viên dân số thôn Phổ Trường xã Nghĩa An thống kê.

 

“Nằm ổ” tìm quý tử

Vợ chồng anh Lê Văn C và chị Nguyễn Thị G là một điển hình về chuyện nằm ổ tìm quý tử. Anh Cư than trời, bởi vợ sinh một lèo 9 đứa con, nhưng toàn là công chúa. Thấy anh Cư buồn bực chuyện vợ không biết đẻ, một cán bộ dân số động viên: “Thôi, đừng đẻ nữa. Lỗi là do anh chớ đâu phải do vợ. Nếu anh gieo hạt bắp thì làm sao nở ra lúa được”. Lúc này, anh C mới gật gù – chí phải.

 

Con đông là nguyên nhân dẫn đến sự nghèo khó của nhiều người dân xã Nghĩa An

 

Ráng cú chót, trời thương cho ra một quý tử. Thấy chưa an toàn, thêm một lần nữa, nhưng lại điệp khúc cũ – sinh con gái. Nhiều người phì cười mỗi khi trông thấy cậu quý tử trên cổ giờ vẫn lủng lẳng chiếc vòng bạc (bùa lấy hên chỉ đeo cho trẻ con). Trong khi ở cái tuổi cậu thì chỉ vài năm nữa là đến tuổi cập kê.

Mang chuyện dân số đến hỏi thăm ông Bí thư xã Trần Ngọc Xôn, bởi dân số là vấn đề quá nóng của địa phương. Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ đã đưa công tác dân số vào mục tiêu quan trọng hàng đầu. Ông Bí thư khẳng định: Nhiệm kỳ trước đề ra giảm sinh là 1,47. Còn nhiệm kỳ tới sẽ cố gắng hạ thấp chỉ còn 1%.

Câu chuyện ngoài lề được ông Bí thư dự đoán: Mười năm nữa thôi, con sông này chỉ còn là con lạch. Bởi hết đất rồi, dân số sinh ra, nhưng đất để mở mang khu dân cư cho Nghĩa An đâu có nhiều.

Để nâng cao chất lượng dân số của địa phương, xã Nghĩa An đã phấn đấu từ năm 2010-2015 sẽ nâng đạt chuẩn Quốc gia. Hiện chăm sóc gần 20.000 dân là một trạm y tế với 2 bác sĩ là quá tải. Lực lượng thì có, nhưng các thiết bị y tế còn thiếu rất nhiều.

Tại địa phương hiện có 3 trường học chia thành nhiều cơ sở. Để tạo điều kiện cho các em học sinh hưởng được điều kiện giáo dục tốt, đến trường, địa phương đang phấn đấu để trang bị đầy đủ các trang thiết bị, đưa trường đạt chuẩn Quốc gia.

Những ngày cuối mùa biển, khi các ông chồng rậm rịch sắp trở về thì hoa gạo “trồng” năm ngoái cũng âm ỉ rụng. Vợ một ngư dân cười ngượng và nói nhỏ: “Ráng cho con học thì con gái con trai gì cũng đặng. Biết rồi, coi ti vi, rồi nghe mấy chị dân số nói chuyện, vợ mấy ổng không dám “thả phanh” như hồi trước nữa đâu em ơi”.

>> Trước mặt là sông, sau lưng là biển. Chuyện có con trai để đi biển đã ăn sâu vào nếp nghĩ của mọi người dân. Thế nên, công tác dân số tại xã Nghĩa An đang là bài toán làm đau đầu các ngành chức năng.

Lê Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!