T2, 06/07/2020 09:47

Chất lượng giống thủy sản: Cần sự quan tâm đúng mức

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Trước vấn đề cấp bách của việc kiểm soát chất lượng giống thủy sản, vừa qua, tại Hội thảo Sản xuất và Kinh doanh giống thủy sản diễn ra tại Nha Trang, Hội Nghề cá Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất có cơ sở, nhằm góp phần giảm thiểu rủi ro trong nuôi trồng thủy sản.

Mối lo chồng chất

Những năm gần đây, phong trào chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang nuôi trồng thủy sản (NTTS) diễn ra mạnh mẽ trên toàn quốc. Đến năm 2005, diện tích NTTS của ĐBSCL là 310.850 ha, chiếm 82,4% diện tích chuyển đổi của cả nước, góp phần đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước từ 1 tỷ USD cuối những năm 1990 lên 4,2 tỷ USD năm 2009. Điều đó đồng nghĩa với việc nhu cầu về con giống cũng tăng cao. Hiện, cả nước có 2.787 trại giống (2.471 trại giống sản xuất tôm sú và 316 trại giống sản xuất tôm he chân trắng…). Năm 2010, sản xuất giống cá tra được khoảng 1,8 tỷ con, tôm sú 25 tỷ con, tôm he chân trắng 20 tỷ con. Tuy nhiên, chất lượng con giống vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, môi trường NTTS bị ô nhiễm, dịch bệnh nhanh chóng lây lan, tôm cá chết hàng loạt, người nuôi bị thiệt hại…

Và sẽ là một thất bại nếu không có biện pháp mạnh để kiểm soát chặt chẽ sự phát triển ồ ạt, tự phát không được quy hoạch ngay từ đầu hoặc quy hoạch bị phá vỡ do quản lý lỏng lẻo…

    

Năm 2010, sản xuất giống cá tra đạt khoảng 1,8 tỷ con         Ảnh: Thanh Nhã

Đề xuất cần thiết

Nhằm góp phần giảm thiểu những rủi ro, Hội Nghề cá Việt Nam sau khi khảo sát thực tế đã đưa ra kiến nghị:

Các cơ quan chức năng

– Tiếp tục đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện các Trung tâm Giống Quốc gia, Trung tâm Giống vùng và các Trung tâm Giống của địa phương, đủ điều kiện kỹ thuật trình độ và năng lực nghiên cứu khảo nghiệm giống mới, sản xuất giống thuần, tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho hệ thống các trại giống trong cả nước.

– Triển khai thực hiện pháp lệnh giống một cách triệt để, nghiêm túc và thường xuyên hơn… không dừng lại hiện tượng “phổ biến”, “đánh trống bỏ dùi” như lâu nay.

– Để kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống phải phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý ở Trung ương, địa phương theo hướng tăng cường quyền lực cho cơ quan quản lý địa phương, phải trang bị đầy đủ, thiết bị máy móc, cán bộ kỹ thuật, cơ sở vật chất kỹ thuật để hoạt động có hiệu quả (tránh tình trạng chỉ có văn bản giao nhiệm vụ còn trang thiết bị máy móc không được đầu tư, con người thì thiếu…).

– Xây dựng tiêu chuẩn mẫu cho trại giống, chỉ cho phép những cơ sở, cá nhân và tổ chức đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định được hoạt động, tránh tình trạng phát triển ồ ạt không theo quy hoạch, không đủ tiêu chuẩn.

Để xử lý những trại giống đã xây dựng từ trước đến nay không đủ tiêu chuẩn, phá vỡ quy hoạch, không đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường…, nên có một lộ trình để từng trại giống xây dựng lại hoàn thiện hơn hoặc xóa bỏ.

Đối tượng kinh doanh

– Đối tượng buôn bán kinh doanh giống phải kiểm soát chặt chẽ, được cấp phép hành nghề (sau khi kiểm tra cơ sở, kiến thức theo tiêu chuẩn của các cơ quan chức năng Nhà nước) tránh tình trạng nhập giống, lưu thông giống không đảm bảo các điều kiện kỹ thuật, không được kiểm soát chất lượng… làm thiệt hại cho người dân.

Về phía Nhà nước

– Tập trung tạo đàn giống bố mẹ thuần của Việt Nam (trước kia tôm sú bố mẹ phải nhập ngoại là chủ yếu), nay chúng ta đã tự chủ được con giống, vậy các loại giống khác hiện nay còn phụ thuộc vào nước ngoài phải cố gắng trong thời gian tới chúng ta có thể tạo ra giống bố mẹ thuần của Việt Nam đảm bảo chất lượng và có thể xuất khẩu được.

Đây là việc khó nhưng không phải không làm được, Nhà nước nhanh chóng xây dựng và đưa tiêu chuẩn quốc gia đàn giống thuần vào thực hiện:

+ Xã hội hóa việc nghiên cứu phát triển giống: Nhà nước có tiêu chuẩn chặt chẽ đối với các cơ sở nghiên cứu và được kiểm soát chặt chẽ tránh tình trạng phát triển vô tội vạ.

+ Xã hội hóa việc sản xuất giống thuần, xây dựng bộ giống thuần, đơn vị, cá nhân, trại giống nào đủ tiêu chuẩn thì được phép hành nghề.

+ Xã hội hóa việc kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng sản phẩm, dịch bệnh, đánh giá tác động môi trường nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia trên cơ sở thực hiện nghiêm túc quy định, tiêu chuẩn và luật pháp của Nhà nước.

– Đối với khu vực miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển giống, đầu tư khoa học kỹ thuật, cán bộ kỹ thuật, chính sách vận chuyển giống, tiến tới từng bước chủ động giống tại chỗ cho các khu vực này vào năm 2015.

  Nhà nước có chính sách hỗ trợ ban đầu cho việc du nhập giống mới, sản xuất giống thuần, giống bố mẹ.

– Có chính sách hỗ trợ cho người nuôi khi nuôi khảo nghiệm giống mới hoặc khi vật nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, bị ảnh hưởng do biến động của thị trường.

– Thành lập những hiệp hội sản xuất kinh doanh giống thủy sản nhằm hỗ trợ giúp đỡ nhau trong chuyển giao khoa học – công nghệ sản xuất giống thuần, giống sạch bệnh, phòng trừ dịch bệnh, tham gia đóng góp tài chính, con giống hỗ trợ cho người nuôi khi bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ…                    

– Xử lý nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân không tuân thủ nghiêm túc các quy định của Nhà nước trong quản lý chất lượng con giống, lưu thông kinh doanh giống, xây dựng không theo quy hoạch…, kể cả người kiểm tra và bị kiểm tra.

Những vấn đề được nêu trên không mới, đã được các cơ quan chức năng ban hành, nhưng trong quá trình thực hiện chưa triệt để, thiếu đồng bộ… nên hiệu quả chưa cao. Vì vậy, nếu thực hiện tốt những giải pháp trên, ngành NTTS của nước ta không những phát triển mạnh mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!