Khủng hoảng cá tra kéo dài cũng kéo thêm sự xuống dốc một trong những khâu yếu nhất hiện nay là giống. Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Võ Hùng Dũng nhận xét, cá tra giống vẫn chưa được chú trọng, sản xuất theo kiểu “ăn xổi ở thì”, tỷ lệ sống rất thấp.
Giảm chất lượng
Thành phố Cần Thơ có diện tích vùng nuôi cá tra 900 ha, sản lượng hàng năm 160.000 tấn. Để cung cấp giống cho vùng nuôi, Cần Thơ có 1 trại giống thuộc Sở NN&PTNT và 400 hộ làm quy mô gia đình 0,5 – 1 ha, tổng diện tích 300 ha, đủ đáp ứng nhu cầu về số lượng cá giống. Nhưng chất lượng thì khó đoán định, vì Cần Thơ không chủ động được nguồn cá bột, để ương nuôi cá giống đều phải mua cá bột trôi nổi tại tỉnh Đồng Tháp và An Giang.
Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Cần Thơ cho biết, trong chương trình mục tiêu quốc gia nâng cao chất lượng giống cá tra của Tổng cục Thủy sản, năm 2012, thành phố Cần Thơ được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II (Viện II) chuyển giao 2.500 cá tra hậu bị. Sau đó, 1.000 con giao cho Trung tâm Sản xuất giống cây trồng vật nuôi thành phố Cần Thơ, số còn lại giao 2 cơ sở tư nhân ở quận Thốt Nốt. Đến nay, từ nguồn này chỉ đáp ứng được 5% lượng cá bột, đồng nghĩa cá giống chất lượng cấp cho vùng nuôi như muối bỏ bể.
Cần kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng giống cá tra – Ảnh: LHV
Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi thành phố Lê Văn Tính xác nhận, sau khi nuôi dưỡng và thuần thục, năm 2014, Trung tâm đã tiến hành cho cá sinh sản khai thác cá bột, sản lượng khoảng 25 triệu cá bột, năm 2015 tăng lên 28 triệu con. Tỷ lệ nuôi sống 15 – 17%, nên lượng cá giống cấp cho vùng nuôi quá nhỏ bé. Ông Tính cho hay, cá giống từ nguồn cá bố mẹ của Viện II người nuôi thích mua, nhưng giá bán cao hơn cá thị trường chưa đến 10.000 đồng/kg, nếu hoạch toán đầy đủ không kinh tế.
Ông Hoàng Đức Cát, đại diện Công ty AQUAFISH Việt Nam – Chi nhánh Cần Thơ, cho biết, đơn vị tham gia ương nuôi cá giống (từ bột lên cá giống) vào năm 2008, với diện tích 7 ha tại huyện Thới Lai. Ngay từ năm đầu đã đăng ký với ngành chức năng địa phương thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhưng phát triển thăng trầm và lao dốc. Năm 2009, Công ty xuất bán ra thị trường 60 tấn cá tra giống, size 1,7 – 2 cm, đến các năm 2012, 2013 giảm còn hơn 10 tấn, năm 2015 ngưng ương nuôi và “treo ao”. Lý giải nguyên nhân, ông Cát cho hay, cá gống làm theo tiêu chuẩn chất lượng và bột mua từ nơi uy tín nhưng tỷ lệ sống cũng chỉ đạt trên dưới 15%, giá bán cho người nuôi lại chỉ tăng khoảng 5.000 đồng/kg, không đủ chi phí.
Ông Trần Văn Hoàng, chủ cơ sở cá giống Ba Hoàng tại thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang cho biết, hàng năm cơ sở cung cấp cho thị trường 1,5 – 2 tỷ cá bột, được mệnh danh là “vua cá giống” tại An Giang. Tuy vậy, sản xuất cá tra giống cũng gặp trắc trở, giá cả lên xuống thất thường, suốt năm 2015 và 2 tháng đầu năm 2016, cá giống trên dưới 20.000 đồng/kg (size 30 – 35 con/kg) nên không có lãi, có thời điểm lỗ cơ sở phải sản xuất cầm chừng.
Thiếu người kiểm tra
Hỗ trợ cho chuỗi giá trị cá tra xuất khẩu, Bộ NN&PTNT từng có đề án đầu tư nâng cấp 4 cơ sở sản xuất giống cá tra chất lượng cao, sạch bệnh thành các trung tâm giống cấp vùng ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre và thành phố Cần Thơ. Đồng thời, lắp đặt cho 9 tỉnh, thành phố được quy hoạch nuôi cá tra gồm: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và thành phố Cần Thơ một phòng thí nghiệm đầy đủ thiết bị tham chiếu, kiểm nghiệm chất lượng thức ăn, chế phẩm vi sinh, chất lượng sản phẩm và kiểm định chất lượng giống cá tra. Nhưng đến nay vẫn chưa có sản phẩm, cá tra giống chất lượng cao vẫn rất xa vời.
Ngoài ra, yêu cầu quản lý và sản xuất giống cây, con chất lượng đều phải theo quy trình và có sự kiểm soát gắt gao, nhằm chống suy thoái và giảm chất lượng. Nhưng như nói ở trên, sản xuất cá tra giống hiện nay vẫn hoàn tự do, không có điều kiện ràng buộc. Trong khi, để kiểm tra chất lượng cá tra giống lại cần kiến thức chuyên môn và chuyên ngành thủy sản, thì nguồn lực bố trí tại các địa phương lại giao cho lực lượng thú y đảm trách, vừa thiếu tính chuyên nghiệp, vừa lãng phí nguồn nhân lực.
Theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 37/2011 của Bộ Nội vụ và Bộ NN&PTNT, chức năng nhiệm vụ công tác thú y (bao gồm cả thú y thủy sản) được kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản xuất con giống (kể cả thủy sản) ở các đại phương. Nhưng cán bộ thú y chỉ có chuyên môn với những con nuôi trên cạn, rất ít người có chuyên môn với những con ở dưới nước.
Về phần giá thành sản xuất cá tra, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương đặt câu hỏi: Làm sao để quy định được giá thành cụ thể? Bởi con giống, quy trình công nghệ nuôi và ngay cả chất lượng thức ăn cũng rất khác nhau dẫn đến giá thành sẽ khác nhau. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX cá tra Thới An ở quận Ô Môn (Cần Thơ) cho biết thêm, trước đây nuôi gia công theo hệ số 1.6 – 1.62 kg thức ăn nuôi 6 tháng, giao cho doanh nghiệp một 1 kg cá, người nuôi vẫn có lợi nhờ thức ăn dư tăng thêm được sản phẩm. Những năm gần đây hệ số thức này thiếu hụt, do cá giống kém chất lượng, cá chậm lớn và thời gian nuôi phải kéo dài thêm nên người nuôi ngày càng khó khăn.
>> TS Phạm Thanh Liêm, Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ: Để cải thiện chất lượng cá tra giống, phải bắt đầu từ tuyển chọn cá bố mẹ đảm bảo tính đa dạng di truyền rồi lai tạo (gia hóa) với cá tự nhiên tạo thành đàn cá bố mẹ cho sinh sản để cung ứng giống cho vùng nuôi không khó, nhưng rất tốn kém, cơ sở tư nhân nhỏ lẻ không thể làm được. |