Chất lượng vàng thủy sản: Tôn vinh những tấm gương đẹp

Chưa có đánh giá về bài viết

Bắt đầu triển khai từ năm 2009, đến nay, Chương trình bình chọn và trao tặng Danh hiệu “Chất lượng Vàng thủy sản Việt Nam” đã đi qua một chặng đường dài; với 300 cá nhân, tập thể, doanh nghiệp hoạt động xuất sắc trong lĩnh vực thủy sản được tôn vinh. Năm 2017 là lần thứ tư Chương trình được thực hiện đã phát hiện và ghi nhận thêm những tên tuổi vào “bảng vàng” của ngành thủy sản.


Kịp thời và lan tỏa

Chương trình bình chọn và trao tặng Danh hiệu “Chất lượng Vàng thủy sản Việt Nam” do Hội Nghề cá Việt Nam và Tạp chí Thủy sản Việt Nam tổ chức nhằm kịp thời ghi nhận và biểu dương các doanh nghiệp, cá nhân, tập thể tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực thủy sản trên cả nước. Danh hiệu đánh giá dựa trên 4 tiêu chí: Hiệu quả kinh tế; Hiệu quả xã hội; Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; Bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái.

Danh hiệu được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần, bắt đầu từ năm 2009. Mỗi đợt bình chọn, sẽ có khoảng 100 đơn vị, cá nhân tiêu biểu được vinh danh bằng Chứng nhận, cúp Vàng, Bằng khen của Hội Nghề cá Việt Nam và Bộ NN&PTNT. Đến nay, sau 8 năm, với 4 lần tổ chức, Chương trình đã thu hút được hàng nghìn cá nhân, tập thể, doanh nghiệp tham gia. Kết quả này không chỉ biểu dương xứng đáng những đóng góp của các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp với ngành thủy sản Việt Nam, mà còn phản ánh chất lượng của Chương trình bình chọn, khi để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, lựa chọn và tôn vinh được những “bông hoa đẹp” trong hàng vạn bông hoa tiêu biểu, đi lên từ mồ hôi, nước mắt, thành đạt trong sự nghiệp và tích cực trong công tác xã hội, từ thiện…

Theo chia sẻ của Ban Tổ chức, đã có 500 bộ hồ sơ gửi đến các doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu, hộ nuôi trong cả nước. Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã liên tục cử đoàn công tác đến các trang trại, hộ nuôi, doanh nghiệp… để phổ biến nội dung quy chế của chương trình, giải đáp thắc mắc và hỗ trợ các đơn vị, cá nhân hoàn thiện hồ sơ tham gia; đồng thời, cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các địa phương. Đến nay, sau hơn 6 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận gần 200 hồ sơ của các doanh nghiệp, đơn vị/cá nhân từ 53 tỉnh, thành trong cả nước. Trải qua 2 vòng sơ loại, Ban Tổ chức đã chọn ra những bộ hồ sơ đủ tiêu chuẩn để Hội đồng Giám khảo xét chọn. Cũng theo nhận định của Ban Tổ chức, sau mỗi lần tổ chức, số lượng các đơn vị tham gia lại tăng lên, điều này đã thể hiện được thương hiệu cũng như sự lan tỏa của Chương trình trong cộng đồng những người làm thủy sản; là nơi mà những doanh nghiệp, doanh nhân, người lao động được tôn vinh.

Nhiều gương sáng

Thủy sản những năm qua luôn là lĩnh vực có sự tăng trưởng và đóng góp lớn vào sự phát triển chung của ngành nông nghiệp. Thắng lợi này cũng là sự đóng góp và nỗ lực không ngừng nghỉ của những cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến luôn giàu tâm huyết, bằng sức lực, trí tuệ với mong muốn đưa ngành thủy sản phát triển, gia tăng giá trị.

Góp mặt trong danh sách những điển hình của ngành thủy sản không thể không nhắc đến ông Marc Le Poul, Tổng Giám đốc Skretting Việt Nam, doanh nghiệp đã đồng hành với người nuôi tôm Việt Nam nhiều năm nay, giúp mỗi hồ nuôi thành công qua từng vụ và trở thành đơn vị “hậu cần” vô cùng tin tưởng của bà con nông dân. Nhiều năm qua, Skretting Việt Nam đã bớt chút phần lợi nhuận hỗ trợ xây dựng cầu, trị giá hàng trăm triệu đồng cho bà con ở nhiều tỉnh thành như Cà Mau, Kiên Giang… Vừa làm kinh doanh vừa trực tiếp nghiên cứu khoa học, ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh đã rất thành công với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh hai giai đoạn sử dụng sản phẩm vi sinh do chính mình nghiên cứu sản xuất. Mô hình này đã được Công ty phổ biến và nhân rộng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, mang lại mùa mùa bội thu cho người nuôi.

Trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng thức ăn thủy sản, phải kể đến Công ty TNHH Grobest Industrial Việt Nam và Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long là những doanh nghiệp thành công khi đưa công nghệ sản xuất thức ăn chất lượng cao phục vụ bà con nuôi thủy sản, với doanh thu mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Nhiều năm liền Grobest Industrial Việt Nam đã phối hợp với Quỹ Khuyến học Việt Nam trao hàng nghìn suất học bổng, giá trị hàng tỷ đồng cho những học sinh nghèo, vượt khó học giỏi, tiếp thêm ước mơ đến trường cho các em.

Ở lĩnh vực khai thác, ngư dân Nguyễn Văn Phong (Quảng Bình), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá khai thác xa bờ QB 91458 TS, bằng tâm huyết và sự lãnh đạo tài tình của mình, anh đã mang về thu nhập trung bình mỗi năm gần chục tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động, với mức thu nhập 100 triệu đồng/năm…

Và vẫn còn không ít những tấm gương lặng thầm mà chúng ta chưa kịp ghi nhận; đó cũng là lý do để Danh hiệu “Chất lượng Vàng thủy sản Việt Nam” sẽ tiếp tục tỏa sáng.

Dự kiến lễ tôn vinh và trao tặng Danh hiệu sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 12.

Ngọc Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!