(TSVN) – Hoạt động giao thương thủy sản tại một số thị trường châu Âu đã bớt yên ắng hơn. Tuy nhiên, toàn thị trường vẫn chưa sôi động do một số mặt hàng còn tồn đọng nhiều trong khi nhu cầu tiêu thụ chưa cao.
Theo số liệu từ Viện Thống kê Quốc gia Pháp (INSEE), lạm phát tại nước này vào tháng 7/2022 đã tăng 6,1% so cùng kỳ năm ngoái. Xu hướng lạm phát gia tăng lại tiếp diễn, lần lượt leo thang 4,8% vào tháng 4; 5,2% vào tháng 5 và 5,8% vào tháng 6. Một lần nữa, chi phí năng lượng tăng lại trở thành nguyên nhân chính gây ra áp lực lạm phát ở mức 12,3%, mặc dù con số này cho thấy mức giảm đáng kể so với tháng 6 (33,1%). Tuy nhiên, lạm phát lương thực vào tháng 7 đã chạm mức 6,7% cao hơn hẳn mức 5,7% vào tháng 5. Theo Dự báo kinh tế mùa hè năm 2033 của EC, lạm phát trong khu vực đồng tiền chung Euro dự kiến sẽ đạt đỉnh với mức kỷ lục mới là 8,4% trong quý III/2022.
Khi những áp lực từ giá năng lượng và nguồn cung hạn chế giảm dần, lạm phát dự kiến sẽ hạ nhiệt sau đó và giảm xuống dưới 3% vào cuối năm 2023. Chi phí gia tăng nói trên đã ảnh hưởng rõ rệt đến chi phí sản xuất, đặc biệt là chi phí năng lượng, khiến giá cả cao hơn và tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng. Tiêu thụ thực phẩm đã giảm 0,3% trong tháng 6, sau sự ổn định trong tháng 5. Trong toàn bộ quý II/2022, tiêu thụ thực phẩm của các hộ gia đình đã giảm 2,3% so với quý I/2022.
Tình hình chung đang diễn ra ở tất cả các nước thuộc châu Âu. Giá các loại cá đang tăng nhưng người tiêu dùng mua sắm có chọn lọc hơn và ưa chuộng các mặt hàng giá rẻ hơn. Hiện, sự thay đổi hành vi mua sắm này chưa thực rõ nét bởi thời điểm này vẫn đang là mùa du lịch. Tuy nhiên, khi mùa hè sắp kết thúc, xu hướng tiêu dùng đặc trưng của kỳ nghỉ lễ cũng nhạt dần và thay vào đó là xu hướng tiêu dùng đặc trưng của thời kỳ lạm phát – hàng giá rẻ lên ngôi. Đây cũng là lý do mà lượng tiêu dùng cá tra và cá rô phi có dấu hiệu tăng trong tháng 8. Nhìn chung, giá các loại cá tương đối ổn định. Theo báo cáo giá cá thị trường châu Âu, tỷ lệ hàng tăng giá chiếm 15%, hàng giảm giá 10% nhưng lượng hàng có giá bán không đổi chiếm 75%.
Mọi năm, thị trường thủy sản châu Âu sôi động từ tháng 7 để chuẩn bị cho lễ Giáng sinh. Tuy nhiên năm nay hàng loạt biến cố từ chiến sự tại Ukraine cộng với những tác động dai dẳng của đại dịch COVID-19, giá dầu tăng vọt, chuỗi cung ứng bất ổn, đồng Euro mất giá đã đồng loạt đánh thẳng vào túi tiền của người dân châu Âu, khiến họ thay đổi thói quen mua bán. Dù vậy, một số mặt hàng thủy sản vẫn được coi là thiết yếu và có một lượng tiêu thụ ổn định. Hội chợ thương mại Fish International 2022 tại Bremen, Đức diễn ra từ 4 – 6/9 đã thu hút đông đảo sự tham gia của doanh nghiệp quan tâm đến thị trường thủy sản châu Âu, chứng tỏ sức hút của thị trường này vẫn còn rất lớn.
Diễn biến mới nhất, Anh và Bắc Ireland đã tạm dừng chính sách ưu đãi cắt giảm thuế quan đối với các sản phẩm thủy sản từ Nga và Belarus để phản đối cuộc chiến tại Ukraine. Quyết định này có ý nghĩa quan trọng đối với thị trường cá đáy, vì số lượng lớn cá minh thái Alaska từ Nga thường được xuất khẩu sang thị trường Anh. Giờ đây với mức thuế cao tới 35% đối với cá minh thái Alaska đông lạnh, thị trường cá thịt trắng tại Anh vốn dĩ đã chồng chất khó khăn này lại càng thêm nhiều áp lực hơn.
Xuất khẩu cá tuyết hake nguyên con đông lạnh của Argentina sang Nga cũng bị cắt giảm vào năm 2022 do xung đột Ukraine. Trong nửa đầu năm 2022, khoảng 2.900 tấn sản phẩm này đã được xuất khẩu, thấp hơn hẳn mức 6.050 tấn của cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu cá tuyết hake cũng giảm từ 9,1 triệu USD còn 4,6 triệu USD. Tương tự, xuất khẩu thủy sản từ Argentina sang Ukraine, bao gồm cá tuyết hake đông lạnh và nhiều loại cá đáy khác đã giảm từ 2.300 tấn trong nửa đầu năm 2021 xuống 900 tấn trong nửa đầu năm 2022. Thương mại gần như bị đóng băng từ tháng 3 đến tháng 5/2022 nhưng vừa mở cửa trở lại với khối lượng giao dịch nhỏ giọt vào tháng 6 vừa qua.
Fillet cá tuyết cod tẩm muối chế biến từ nguyên liệu thô đông lạnh (Gadus macrocephalus) và nguyên liệu tươi có nguồn gốc từ đảo Faroe và Iceland đang là hai nhóm mặt hàng lập kỷ lục về giá bán do sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nguyên liệu cá tuyết cod ướp muối trên toàn cầu cộng với lạm phát chi phí. Tiêu thụ các mặt hàng này do đó cũng hạn chế, nhưng vừa tăng trở lại vào tháng 9 khi các nhà phân phối ở Nam Âu trở về sau kỳ nghỉ lễ.
Lệnh cấm khai thác cá ngừ bằng thiết bị dụ cá (FADs) trong vòng 3 tháng tại Trung Tây Thái Bình Dương (WCP) kéo dài đến ngày 30/9. Tiến độ khai thác cá ngừ chậm lại kể từ tháng trước và hiện đang kém đi. Do đó, giá cá ngừ vằn đã tăng mạnh trở lại và dự kiến còn tăng nữa do sản lượng khai thác thấp.
Các đợt đánh bắt ở Ấn Độ Dương đang bị ảnh hưởng bởi dòng chảy mạnh và mực nước xuống thấp. Trong khi đó, nguồn dự trữ cá ngừ nguyên liệu tại các nhà máy đóng hộp đang ở mức thấp. Hiện, giá cá ngừ vằn và cá ngừ vây vàng vẫn không đổi.
Trong khi đó, các hoạt động khai thác cá ngừ ở Đại Tây Dương chỉ cải thiện ở mức trung bình. Giá cá ngừ vằn tăng nhẹ trong khi giá cá ngừ vây vàng vẫn ổn định, tương tự Thái Bình Dương. Phía Đông Thái Bình Dương, sản lượng khai thác cá ngừ cũng thấp do 43% đội tàu tại khu vực này dừng đánh bắt từ ngày 29/7/2022 theo kêu gọi từ Ủy ban Cá ngừ nhiệt đới liên Mỹ (IATTC). Giá cá ngừ vằn và cá ngừ vây vàng tại đây vẫn ổn định. Do thiếu hụt nguồn cung và các nhà máy đóng cửa theo mùa, giá cá ngừ vằn và cá ngừ vây vàng tại châu Âu đã tăng.
Dù sản lượng khai thác kém, nhưng giá mực ống Nam Phi vẫn rất cao. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển và nhiên liệu thậm chí còn cao hơn. Nhà quản lý Maroc đã quyết định cấm tất cả tàu khai thác bạch tuộc suốt mùa hè 2022 do nguồn lợi này đang bị khai thác quá mức. Chỉ một số tàu cá truyền thống được hoạt động trong một số khu vực theo quy định thuộc phía Nam Đại Tây Dương. Lệnh cấm trên sẽ kéo dài đến đầu năm 2023. Điều này tác động đến giá bạch tuộc tại châu Âu hiện đã tăng 10% chỉ trong một tháng. Bạch tuộc thường được tiêu thụ mạnh tại các nhà hàng, nhưng tiêu thụ tại nhà cũng được dự báo tăng trong năm nay.
Xuất khẩu tôm của Argentina sang Nga đã đứt gãy hoàn toàn vào năm 2022 do xung đột Ukraine. Trong 6 tháng đầu năm 2022, chỉ 658 tấn tôm đông lạnh xuất khẩu từ Argentina sang Nga, so với 4.200 tấn của cùng kỳ 2021, tương đương mức giảm từ 28,3 triệu USD nửa đầu năm 2021 còn 4,7 triệu USD.
Một khối lượng tôm Argentina vẫn còn tồn đọng tại thị trường châu Âu, do nhu cầu tiêu thụ thấp bất thường mặc dù đang trong mùa lễ. Do đó, giá nhập khẩu tôm đã giảm 0,30 EUR/kg trong một tháng. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ tôm Argentina tại châu Á lại tăng mạnh, có thể kéo theo sự đảo ngược xu hướng giá trong tháng 9. Dù sự mở cửa trở lại của các kênh dịch vụ ẩm thực đã tác động tích cực lên doanh số mặt hàng tôm, cua nhưng nguồn cung thấp hơn năm trước cũng gây không ít căng thẳng lên giá bán của các mặt hàng này.
Đan Linh
Tổng hợp