Cơn sốt cá hồi tại Trung Quốc

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nhu cầu về cá hồi nuôi tại Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ chưa từng có. Năm 2023, nhập khẩu cá hồi tăng 46% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu cá hồi Đại Tây Dương tươi và ướp lạnh tăng 63%.

Chuộng hàng ngoại 

Sự tăng trưởng đáng kể này đang định hình lại thương mại thủy sản toàn cầu. Các nhà xuất khẩu từ Scotland, Na Uy, Chile, Australia, đảo Faroe, Canada và Iceland đang chạy đua để đáp ứng nhu cầu của thị trường rộng lớn và thay đổi nhanh chóng này. Đồng thời, nỗ lực của Trung Quốc trong việc sản xuất cá hồi Đại Tây Dương gặp nhiều thách thức lớn, càng góp phần gia tăng nhu cầu về các loại thay thế như cá hồi vân để đáp ứng khẩu vị ngày càng cao.

Một bước ngoặt quan trọng diễn ra vào năm 2018, khi chính phủ Trung Quốc cho phép gắn nhãn và bán cá hồi vân (rainbow trout) như cá hồi (salmon). Quyết định này làm mờ ranh giới giữa cá hồi Đại Tây Dương nhập khẩu và cá hồi vân nuôi trong nước, mang lại lựa chọn dễ tiếp cận hơn cho người tiêu dùng chuộng hàng giá rẻ. Cá hồi vân có hình dáng và kích thước tương tự cá hồi, thịt chắc, nhiều dầu và màu cam-hồng giống nhau. Về dinh dưỡng, hai loại này cũng tương đồng, cũng như các cách chế biến và nấu nướng. 

Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc không phân biệt được hương vị cá hồi vân nội địa và cá hồi Đại Tây Dương nhập khẩu. Tuy nhiên, khi được thông báo về nguồn gốc, hầu hết người tiêu dùng lựa chọn cá hồi Đại Tây Dương nhập khẩu, nhấn mạnh tầm quan trọng của xuất xứ. Tuy nhiên, người tiêu dùng sẵn lòng trả giá cao hơn, ngoài yếu tố hàng nhập khẩu, họ yêu cầu sản phẩm có màu sắc, mùi và vị vượt trội, hoặc được dán nhãn sinh thái chứng nhận tiêu chuẩn môi trường.

Chi phí môi trường 

Vận chuyển cá hồi Đại Tây Dương từ Scotland, Na Uy hoặc Chile đến thị trường Trung Quốc đòi hỏi quy trình logistic phức tạp và gây ra chi phí môi trường đáng kể. Dấu chân carbon từ hoạt động thương mại này, kết hợp với tính chất tiêu tốn tài nguyên của nuôi cá hồi, đặt ra những lo ngại lớn về tính bền vững.

Những thách thức này đặc biệt rõ rệt ở Trung Quốc, nơi người tiêu dùng ưu tiên sự tươi ngon. Điều này thúc đẩy nhu cầu giao nhanh cá hồi nhập khẩu dù có tác động xấu đến môi trường, và ngày càng nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua hải sản qua các nền tảng trực tuyến.

Thương mại điện tử đã thay đổi diện mạo bán lẻ hải sản ở Trung Quốc, mang đến dịch vụ giao hàng nhanh và sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng về chất lượng và độ tươi ngon. Cá hồi nổi bật trong thị trường này nhờ giá trị cao, chất lượng vượt trội và mức giá cao cấp. Khác với nhiều loại hải sản đắt tiền thường phải bán dưới dạng tươi sống để giữ giá trị, cá hồi vẫn giữ được sức hút ngay cả khi bảo quản lạnh hoặc đông lạnh.

Điều này khiến cá hồi trở thành lựa chọn phù hợp cho các mô hình bán lẻ hiện đại, nơi hệ thống logistics lạnh tiên tiến đảm bảo sự tươi mới mà không gặp phải các vấn đề phức tạp của quá trình vận chuyển hàng tươi sống. Tuy nhiên, những cải tiến này đi kèm với chi phí. Việc lưu trữ tiêu tốn năng lượng và vận chuyển nhanh chóng đối với cá hồi nhập khẩu đóng góp đáng kể vào tác động xấu đến môi trường. Khi thị trường thủy sản Trung Quốc tiếp tục phát triển, việc giải quyết các thách thức bền vững liên quan đến ngành này sẽ là yếu tố quan trọng để cân bằng nhu cầu tiêu dùng và trách nhiệm bảo vệ môi trường. Các chương trình chứng nhận quốc tế hiện nay nhằm cải thiện tính bền vững của ngành này vẫn chưa có tác động lớn tại Trung Quốc.

Ưu tiên chất lượng

Trung Quốc đã nỗ lực đáng kể để xây dựng ngành công nghiệp cá hồi Đại Tây Dương trong nước nhưng không thành công do các thách thức kỹ thuật và hạn chế về môi trường. Năm 2022, Trung Quốc sản xuất 37.000 tấn cá hồi vân, một con số khá nhỏ so với đối thủ quốc tế. Tuy nhiên, việc nuôi cá hồi vân ở Trung Quốc bị hạn chế về mặt địa lý, vì loài này phát triển tốt ở nhiệt độ nước ngọt mát mẻ, có ở các hồ và đập cao, cũng như trong các “kênh” được cung cấp nước sạch từ sông.

Tuy nhiên,nuôi cá hồi vân vẫn được xem là một giải pháp thay thế bền vững cho cá hồi Đại Tây Dương, giúp giảm dấu chân carbon từ việc nhập khẩu và đảm bảo sản phẩm tươi ngon hơn cho người tiêu dùng Trung Quốc. Phát triển ngành nuôi cá hồi vân trong nước có thể nâng cao an ninh lương thực, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và tạo cơ hội kinh tế cho các vùng nông thôn.

Thị trường thủy sản Trung Quốc đang phát triển mang lại nhiều bài học quý giá cho ngành công nghiệp toàn cầu. Tập trung vào chất lượng, độ tươi ngon và tính bền vững sẽ thu hút người tiêu dùng Trung Quốc bởi họ ngày càng tinh tế. Đồng thời, đầu tư vào các phương pháp nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường, cả trong nước và quốc tế, sẽ là yếu tố quan trọng để cân bằng nhu cầu ngày càng tăng về thủy sản cao cấp với trách nhiệm bảo vệ môi trường. Các biện pháp này bao gồm giảm thiểu lãng phí thức ăn và hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn để tiết kiệm nước. Việc tái chế chất thải dinh dưỡng để sử dụng trong sản xuất thực phẩm cũng quan trọng không kém.

Khi cá hồi vân ngày càng được ưa chuộng tại thị trường thủy sản Trung Quốc, mối quan hệ giữa sở thích người tiêu dùng, các mối lo ngại về môi trường và cơ hội kinh tế có thể ảnh hưởng đến tương lai của ngành xuất khẩu cá hồi toàn cầu. Nếu cá nội địa chiếm lĩnh thị trường, các nhà sản xuất cá hồi ở châu Âu, Canada và các khu vực khác sẽ gặp nhiều thách thức, buộc họ phải điều chỉnh chiến lược để thích ứng với sự thay đổi của thị trường. 

Vũ Đức

Theo Globalseafood 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!