Từ nguồn phế phẩm của các nhà máy sản xuất mía đường, các nhà khoa học thuộc Viện hóa học các hợp chất thiên nhiên đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất chế phẩm sinh học đa năng có tên là Huđavil – Hud5 giúp xử lý ô nhiễm nước và bùn đáy hồ nuôi tôm sú, cá tra.
Chế phẩm sinh học Huđavil-Hud5 thực chất là một loại phân bón lý tưởng cho cây trồng vùng nhiễm phèn nhiễm mặn, cho vùng sản xuất 1 vụ lúa + 1 vụ nuôi tôm cá. Với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, nhà xưởng đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh công nghiệp, công nhân sản xuất được kiểm tra không có bệnh truyền nhiễm, các nhà máy sản xuất mía đường đều có thể tiến hành sản xuất chế phẩm sinh học đa năng Huđavil dạng Hud5 dùng cho hồ nuôi tôm, cá. Quần thể vi sinh vật có trong chế phẩm Hud5 tạo khu hệ sinh thái có các vi sinh vật thân thiện với môi trường, có thể gọi đây là khu hệ sinh thái ít gây ô nhiễm thứ cấp. Ngoài các chủng vi sinh vật có mật độ cao (>107CFU/g/chủng), trong chế phẩm Hud5 có hơn 1% các chất điều hòa sinh trưởng tự nhiên, có 2,5 – 3,5% là 17 loại acid amin tối cần thiết (chiếm 20 – 25% hàm lượng hữu cơ của chế phẩm). Đây là nguồn dinh dưỡng quý để nuôi tảo và phù du (là nguồn thức ăn giàu đạm cho tôm, cá), đồng thời là nguồn thức ăn để phát triển các vi sinh vật nitrat hóa và khử độc tố (S2-, H2S) cho nước và bùn đáy. Khi sử dụng với liều lượng hợp lý cho hồ nuôi tôm cá, chế phẩm Hud5 tạo sự cân bằng sinh thái cho hồ nuôi với sự có mặt của tôm (cá), tảo, thức ăn thừa, phân của tôm cá. Cân bằng được đẩy lên cao mà không gây ô nhiễm nhờ sinh khối và chất thải của cá thể này là thức ăn của cá thể khác.
Việc sử dụng chế phẩm Hud5 trên đồng ruộng 3 năm liền ở Trà Vinh, Sóc Trăng và Cà Mau với số lượng các hộ ứng dụng chế phẩm tăng lên hàng năm đã chứng minh hiệu quả rõ rệt của sản phẩm. Tỷ lệ nuôi thành công đạt trên 90%, đặc biệt nuôi quảng canh cải tiến với mật độ 15 – 20 tôm/m3 đều cho sản lượng tôm từ 2,5 – 4,5 tấn/ha/vụ. Các hộ nuôi mật độ 25 – 30 tôm/m3 đều cho sản lượng từ 3,5 – 6,5 tấn/ha/vụ. Năng suất so với các lô đối chứng vượt 58,3%.