Là địa phương tiêu thụ lớn các mặt hàng thuốc thú y thuỷ sản (khoảng 8.000 tỷ đồng/năm), trong khi công tác quản lý chủ yếu “phần ngọn” nên Cà Mau được xem là mảnh đất “béo bở” để các công ty sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này tăng cường khai thác. Nhu cầu thị trường lớn, kèm theo đó là hàng loạt những tồn tại, bất cập trong quản lý là cơ hội cho các đối tượng kinh doanh bất chính hoạt động.
Mới đây, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phát hiện tại hộ ông Nguyễn Thành Thân, ấp Ðầm Cùng, xã Trần Thới, huyện Cái Nước, có lưu trữ một lượng khá lớn các mặt hàng thuốc thú y thuỷ sản như: FIVE STAR, CUN 01, LACTOZYME, Vita C của Công ty TNHH TM – DV Hải Dương Phát, địa chỉ 45/40, đường Số 3, Khu phố 5, phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ông Phạm Thế Tài, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT, cho biết, qua kết quả xét nghiệm các sản phẩm này hầu như không có các thành phần như đã ghi trên bao bì. Có thể khẳng định đây là hàng giả.
Lực lượng Thanh tra Sở NN&PTNT kiểm tra các mặt hàng vật tư nông nghiệp tại Đại lý Tuấn Lợi, phường An Xuyên, TP Cà Mau. |
Ông Thân không phải là hộ kinh doanh, không bảng hiệu, không giấy phép kinh doanh và được địa phương xác nhận là hộ nuôi tôm, nhưng trên thực tế ông có bán hàng theo hình thức chia lại cho hàng xóm, những người quen biết trong khu vực để sử dụng. Ông Tài nhận định, đây là chiêu thức kinh doanh mới nhằm lách luật, rất tinh vi. Cách làm này không chỉ tạo điều kiện cho hàng hoá kém chất lượng len lỏi trong dân mà còn tránh sự kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước và qua mắt cả ngành thuế.
Ông Tài cho hay, thời gian gần đây nhiều đối tượng kinh doanh các mặt hàng thuốc thú y thuỷ sản mượn danh các tổ chức, cá nhân có uy tín với học hàm, học vị kỹ sư, tiến sĩ để tạo lòng tin cho người dân sử dụng ở những địa bàn vùng sâu.
Cách đây không lâu, Thanh tra Sở NN&PTNT đã phát hiện 2 dòng sản phẩm thuộc dạng chế phẩm sinh học dùng để xử lý ô nhiễm môi trường và làm sạch bùn đáy ao vuông nuôi trồng thuỷ sản, xử lý nước thải, hầm cầu, mùi hôi là Semsr 05 và Semsr 09 của Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật và Quản lý môi trường (địa chỉ 3/9, Bình Giã, Khu phố 2, phường 13, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) được xác định là thuốc ngoài danh mục, lưu thông trên thị trường khá lâu từ đại lý Tuấn Lợi và ông Phan Công Ðường. Kết quả kiểm tra hầu như không đúng với các chỉ số thành phần chất lượng đã ghi trên bao bì.
Ðể loại bỏ tình trạng này, ông Tài cho rằng, cần phải có một cơ chế, quy định thật rõ ràng và nghiêm khắc đối với công ty sản xuất, đại lý kinh doanh và người giới thiệu, quảng bá sản phẩm.