(TSVN) – Để giảm những hậu quả nặng nề và tổn thất hàng tỷ USD do bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi, người nuôi và doanh nghiệp cần có các chiến lược chủ động.
Các chiến lược chủ động nên được bắt đầu từ việc quản lý chất lượng tôm bố mẹ. Thông thường, các cơ sở sản xuất tôm giống không sử dụng những cá thể tôm nuôi từ ao thương phẩm để làm nguồn vì tính an toàn sinh học không cao. Do đó, tôm bố mẹ phải được phân tách và nuôi theo phương pháp riêng biệt. Đồng thời, chúng cũng thường được kiểm tra và gây sốc với nhiều hình thức khác nhau để xác định sự xuất hiện của mầm bệnh. Sau đó, ít nhất hai thế hệ tôm bố mẹ sẽ được cách ly để dành cho quá trình sản xuất giống sau này.
Không nên cho tôm bố mẹ sử dụng một số loại thức ăn tươi sống có nguy cơ mang mầm bệnh. Và khi có rủi ro, những loại thức ăn này phải được xử lý bằng tia gamma và xét nghiệm nhiều lần bằng các phương pháp sinh học trước khi sử dụng. Tuy nhiên, đây chỉ là khuyến cáo khi hầu hết các trang trại sản xuất giống tôm thương mại hiện nay gần như không thể không sử dụng thức ăn tươi sống.
Tuân thủ chặt chẽ các khuyến nghị phòng bệnh trong ao nuôi giúp giảm thiểu tối đa bùng phát dịch bệnh. Ảnh: Shutterstock
Trong quá trình ương, cần thực hiện việc đo đạc các thông số chất lượng nước và không khí. Đồng thời, cần lấy mẫu kiểm tra kích thước thường xuyên (hàng ngày từ bể và hàng tuần từ ao ương), quan sát hành vi và đánh giá tải lượng vi khuẩn, và thực hiện xét nghiệm RT PCR. Những bể ương có vấn đề nên loại bỏ ngay lập tức và tuyệt đối tránh việc phối các bể lẫn nhau.
Nếu tuân thủ chặt chẽ những khuyến nghị đã được đưa ra ở trên, các trang trại sẽ có nhiều khả năng không bị ảnh hưởng đáng kể bởi bất kỳ mầm bệnh nào trong môi trường sản xuất. Nguồn bệnh hầu hết có thể do tôm bố mẹ. Tuy nhiên, nếu quản lý không tốt ao nuôi, tôm cũng dễ mắc bệnh. Ao nuôi cần được lót bạt để ngăn chặn tương tác giữa trầm tích và nước.
Đặc biệt, stress là mối nguy nghiêm trọng hơn cả. Người nuôi cần thực hiện biện pháp giảm thiểu các yếu tố gây stress trong quá trình ương nuôi. Stress có nhiều dạng và có thể là một phần chủ quan của việc quản lý hệ thống nuôi. Các nguyên nhân gây stress phổ biến nhất là mức ôxy hòa tan thấp; chất lượng nước kém với tầng chất rắn hòa tan cao; mật độ tảo lam cao; sự thay đổi môi trường đột ngột và mật độ thả nuôi cao. Nhiều trường hợp, tôm bị stress ở một ao có thể có tỷ lệ chết không cao nhưng lại làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tôm ở các ao khác. Việc ngăn ngừa stress được khuyến cáo để hạn chế việc bùng phát dịch bệnh. Ao nuôi nên được đảm bảo duy trì sục khí thông qua hệ thống thiết bị máy móc. Ngoài ra, việc duy trì sục khí cũng giúp luân chuyển dòng nước và cung cấp lượng ôxy hòa tan sẵn có cho những thời điểm nguy cấp. Đồng thời, cần sử dụng máy cho ăn tự động để cho ăn một lượng nhỏ thức ăn cùng một lúc. Ngoài ra, cần hạn chế những biến động đột ngột về độ mặn và nhiệt độ nếu có thể. Chất thải nên được giữ trong ao lưu giữ và xử lý sinh học trước khi thải ra ngoài. Người nuôi có thể thu hoạch một phần nếu mật độ quá cao và cũng tránh stress quá mức trong khoảng thời gian này. Cách tốt nhất để ngăn ngừa những vấn đề liên quan đến dịch bệnh là ngăn chặn chúng xuất hiện tại trang trại. Đặc biệt, khi các trang trại được xây dựng gần nhau và nước thải của trang trại không được xử lý triệt để khiến cho việc kiểm soát thậm chí còn khó khăn hơn. Do đó, cơ quan quản lý cần thiết lập các vùng nuôi hợp lý giữa các trang trại để giảm thiểu vấn đề này.
Có một số giải pháp hữu ích có thể được sử dụng để giảm tác động của các bệnh vi khuẩn trên tôm nuôi. Trong đó, kháng sinh là liệu pháp phổ biến nhất, thế nhưng biện pháp này thường được người nuôi sử dụng không đúng cách. Để đạt hiệu quả điều trị cao, vi khuẩn gây bệnh phải được phân lập, được xác nhận là nguyên nhân gây chết ở tôm, sau đó được kiểm tra độ nhạy cảm với các loại kháng sinh khác nhau và cuối cùng mới được bắt đầu điều trị. Tuy nhiên, tôm bị bệnh thường bỏ ăn khiến phương pháp này không còn hợp lý. Các giải pháp khác chẳng hạn như việc sử dụng nhiều loại hợp chất kích thích khả năng miễn dịch không đặc hiệu, gây ra các protein sốc nhiệt và thực khuẩn thể.
Cách tốt nhất để đối phó với loại bệnh này là sử dụng các phương pháp tiêu diệt mầm bệnh từ khi bắt đầu. Tuy nhiên, một khi xuất hiện ở trong ao, EHP rất khó để loại bỏ do bào tử của loài này có thể lưu trú trong các lớp bùn đáy. Việc sử dụng các công cụ xử lý sinh học như viên sủi PRO4000X, có hiệu quả hoạt động từ lớp bùn đáy cho đến mặt nước là một công cụ có thể hữu ích. Tuy nhiên, loại hóa chất này lại không tiêu diệt các bào tử EHP mà chỉ hạn chế môi trường lưu trú của chúng.
Loại virus này luôn có mặt trong môi trường của ao nuôi tôm. Loại bệnh này có đặc trưng về dấu hiệu bệnh lý riêng mặc dù ở một số bệnh khác, tôm cũng có biểu hiện tương tự. Như đã nhấn mạnh trước đó, điều cần thiết là loại bỏ virus này khỏi môi trường xung quanh trang trại. Do đó, người nuôi cần thực hiện xét nghiệm PCR cho tôm định kỳ. Tôm bố mẹ phải được giữ ở nhiệt độ nước thấp hơn (25oC) trong 48 – 72 giờ và sau đó mới được kiểm tra bằng PCR. Và việc lấy mẫu xét nghiệm cần được thực hiện trên toàn bộ các cá thể để tránh trường hợp bỏ sót mầm bệnh.
Đây là một trong những loại virus đầu tiên được phát hiện gây bệnh trên tôm nuôi và đã được báo cáo ở hơn 20 quốc gia. Để kiểm soát mầm bệnh này, việc loại bỏ sự xâm nhập từ ban đầu vẫn là cách thức được khuyến cáo. Điều này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng các đàn giống sạch mầm bệnh (SPF) cũng như các đàn đã được chọn lọc để có khả năng kháng bệnh. Theo thời gian, IHHNV đã trở nên ít độc hơn cho tôm mặc dù đây vẫn là một thách thức nghiêm trọng ở một số khu vực nuôi.
Mầm bệnh này gây ra hiện tượng đục cơ, dẫn đến hệ số biến thiên (CV) cao và tôm không thể bán được. Tuy nhiên, cũng có một số loại virus và mầm bệnh khác gây ra các triệu chứng tương tự. Mặc dù loại virus này ít được báo cáo ở Việt Nam, nhưng không loại trừ các mầm bệnh luôn hiện diện và có nguy cơ gây hại trong tương lai. Tiêu diệt, khử trùng là cách tiếp cận tốt nhất để hạn chế tác động của virus này.
Hiện, một số loại bệnh do virus có khả năng rất cao đang có mặt ở Việt Nam. Điển hình như virus gan tụy (HPV), virus gây bệnh đầu vàng (YHV) và các biến thể của nó, nidovirus gây bệnh trên mang (GAV), bệnh đuôi trắng (WTD), virus Noda (CMNV). Ngoài ra còn có nhiều loại virus nodavirus không đặc trưng hiện diện trong đàn tôm có tác động khác nhau. Các quốc gia có hoạt động giao dịch tôm giống thường có nhiều lỗ hổng và khi ấu trùng được đưa vào nội địa từ các quốc gia khác thì chúng thường mang mầm bệnh chưa được xác định. Nếu không có xét nghiệm PCR xác nhận, rất khó để xử lý vấn đề này. Cách chính mà người nuôi có thể đảm bảo trong việc loại bỏ các mầm bệnh tiềm ẩn này khỏi hệ thống sản xuất là đảm bảo rằng nguồn tôm giống của họ là từ tôm bố mẹ không chỉ sạch bệnh mà còn được nuôi qua nhiều thế hệ trong các điều kiện được kiểm soát chặt chẽ và được thử nghiệm nhiều lần. Ngoài ra, việc theo dõi hoạt động của tôm sau khi thả giống cũng là một phần quan trọng. Đặc biệt, xét nghiệm PCR cũng là phương pháp được sử dụng rộng rãi để chẩn đoán mầm bệnh chính xác.
Stephen G. Newman
CEO Aquaintech