Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai bàn về các giải pháp khắc phục hậu quả của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) vừa qua và chuẩn bị các giải pháp ứng phó với bão số 7 đang hoạt động trên Biển Đông chiều 16/10 tại Hà Nội.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, do ảnh hưởng của ATNĐ và gió mùa Đông Bắc từ ngày 13 đến sáng ngày 16/10, trên địa bàn các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên – Huế đã có mưa to đến rất to. Trong đó, các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị có tổng lượng mưa 200 – 300 mm; tại Quảng Bình, Hà Tĩnh tổng lượng mưa 400 – 600 mm, nhiều khu vực mưa trên 800 mm, đặc biệt ở Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) mưa 949 mm; Nghệ An tổng lượng mưa 100 – 250 mm.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Trên lĩnh vực sản xuất thủy sản, nhiều tàu thuyền đã neo đậu tại bến nhiều ngày do ảnh hưởng của bão số 6 và ATNĐ dẫn đến tâm lý chủ quan của ngư dân muốn tiếp tục ra khơi sản xuất. Ngoài ra, các sự cố đứt neo, chìm tàu của 5 tàu chở hàng Clinke (Công ty Trường Thành) tại cửa Gianh gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Hiện các lực lượng chức năng đang tiếp tục tìm kiếm 5 người mất tích. Tại Quảng Bình, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của ATNĐ, đã có 2 tàu đang bị mắc cạn ở cửa Roòn; 16 tàu bị chìm, hiện mới cứu được 1 tàu đưa vào bờ; 3 tàu mất tích (trên tàu không có người). TP Đồng Hới thiệt hại nuôi trồng thủy sản 431,44 ha; Huyện Bố Trạch 2 ao nuôi trồng thủy sản tại xã Nhân Trạch (Bố Trạch) bị vỡ; Huyện Lệ Thủy, diện tích ao hồ bị thiệt hại 300 ha; Huyện Quảng Ninh thiệt hại 297 ha nuôi trồng thủy sản…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương cần kịp thời động viên, thăm hỏi bà con, những gia đình gặp nạn do ảnh hưởng của ATNĐ; rà soát để ứng cứu kịp thời cho các gia đình gặp nạn, không để người dân chịu đói, khát. Đồng thời, để chủ động ứng phó với bão số 7, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa cần nắm bắt chặt chẽ thông tin về cơn bão, duy trì chế độ thường trực, thông tin tuyên truyền để người dân biết, các tàu thuyền hoạt động trên biển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ tàu để chủ động chỉ đạo việc cấm biển. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương thu hoạch lúa mùa, bảo vệ hoa màu vụ sản xuất đông xuân, cung cấp nguồn giống dự phòng cho sản xuất, đồng thời rà soát an toàn hồ đập thủy lợi, phối hợp với các địa phương rà soát an toàn hệ thống đê điều…
>> Thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, hồi 7 giờ ngày 17/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135 – 150 km/giờ), giật cấp 16. Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 – 20 km. Đến 7 giờ ngày 18/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16 – 17. Vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): phía Bắc Vĩ tuyến 14,50N và phía Đông Kinh tuyến 108,50E. Vùng gió mạnh từ cấp 8 trở lên phía Bắc Vĩ tuyến 15,50N và phía Đông Kinh tuyến 109,00E. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. |