(Thủy sản Việt Nam) – Các chủ tàu cá ở tỉnh Bạc Liêu đã câu kết với người nước ngoài mua bán ngư trường. Hậu quả các tàu, tài sản trên tàu bị nước ngoài tạm giữ, tịch thu, còn thuyền viên thì lãnh án tù giam, chủ tàu đóng phạt tiền tỷ.
Hơn 15 năm tù dành cho các thủy thủ
Ba tàu cá của tỉnh Bạc Liêu vừa bị lực lượng Hải quân Malaysia bắt giữ vì đã xâm phạm chủ quyền vùng biển nước này. 46 thủy thủ trên 3 tàu này bị tuyên phạt mỗi người 4 tháng tù giam ở nhà tù tỉnh Miri, tổng cộng là hơn 15 năm tù. Trong đó, 44 người được giam chung một buồng, còn 2 người giam chung với tù nhân nước sở tại. Ngoài ra, theo một nguồn tin riêng, mỗi thuyền trưởng bị phạt 1,5 tỷ đồng. Tàu bị giữ lại. Còn lưới, dầu, hải sản bị tịch thu, ước tính giá trị khoảng 1 tỷ đồng mỗi chiếc. Chị Nguyễn Thu Sương, vợ tài công Nguyễn Ngọc Bảnh (ngụ đường Cao Văn Lầu, ấp Đầu Lộ, phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) cho biết: “Chồng tôi bị giam hơn một tháng nay. Điện thoại về gia đình được 3 lần”. Còn vợ của ông Cao Hoàng Mảnh, chủ của một trong 3 con tàu nói trên nói: “Trước mỗi chuyến ra khơi, mỗi thủy thủ đã ứng trên mười triệu đồng nên gia đình họ khi biết sự việc cũng không đến yêu cầu gì”.
Số tiền để chuộc 3 tàu và 46 thủy thủ lên đến 11 tỷ đồng, nên các chủ tàu “bỏ liều” để thủy thủ ở tù, giành tiền chuộc tàu. Vào các ngày 14 – 18 tháng 7/2011, chủ của 2 trong số 3 phương tiện nói trên đã nhập cảnh vào Malaysia để xin chuộc phương tiện, chi phí dự kiến khoảng 5.000-6.000 USD/tàu. Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bạc Liêu, các chủ phương tiện muốn giữ kín vụ việc và sợ liên quan đến pháp luật, nên họ không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan, không loại trừ một số thông tin do họ cung cấp sai lệch.
Lời nhiều, nên liều!
Cuối tháng 6/2011, tàu cá BL 91379 TS của ông Cao Hoàng Mảnh và tàu BL 91577 TS của ông Hồ Văn Chính (cùng ngụ phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) xuất bến qua cửa biển Nhà Mát. Còn tàu BL 91252 TS của bà Lữ Hoàng Oanh (khóm 8, phường 8, TP. Bạc Liêu) qua cửa biển Gành Hào vào cuối tháng 4/2011. Theo kết quả xác minh của ngành chức năng, khoảng 15 giờ ngày 26 hoặc 27 tháng 6, ba tàu này đang đánh bắt thủy sản ở phía đông quần đảo Trường Sa thuộc vùng biển Malaysia thì bị bắt.
Thượng tá Võ Nhật Quang, quyền Trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Sau một thời gian ém thông tin, các chủ tàu này đã thừa nhận tham gia mua bán ngư trường với người Malaysia”. Ông Hồ Văn Chính có quen biết một người Việt định cư ở Malaysia, thông qua mối quan hệ này, ông Chính đã mua và giới thiệu cho nhiều chủ tàu khác tham gia mua bán ngư trường với giá 10.000 USD/năm/1 phương tiện. Chủ tàu ở Bạc Liêu sẽ sao giấy tờ về phương tiện đánh bắt thủy sản giao cho người môi giới cùng 5.000 USD để mua “giấy phép” khai thác thủy sản của Chính phủ Malaysia. Khoảng một tháng sau, người môi giới sẽ chuyển “giấy phép” này về cho các chủ tàu. Có “giấy phép”, chủ tàu sẽ đưa tàu rời Việt Nam cập cảng Malaysia, và trả 5.000 USD còn lại. Khi đến vùng lãnh hải của nước bạn, các tàu này sẽ dùng biển kiểm soát của Malaysia để khai thác trên ngư trường của họ. Tại cảng Malaysia, các cơ quan chức năng nước sở tại tiến hành đăng kiểm, cấp phép phương tiện đủ điều kiện hoạt động. Thời gian làm thủ tục này là từ 2 – 3 ngày. Về tính hợp pháp của “giấy phép” do mua mà có, một cán bộ điều tra của phòng An ninh kinh tế cho biết: “Cơ quan An ninh kinh tế chưa thấy “giấy phép” đó, bởi không có tàu nào mang nó về Việt Nam. Cho nên chúng tôi không biết “giấy phép” đó có hợp pháp hay không!”. Ngoài tiền mua “giấy phép”, hàng tháng chủ tàu còn đóng cho cơ quan kiểm ngư Malaysia 1.000 USD/tháng/tàu, tiền tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Mặc dù lực lượng thanh tra, kiểm tra kiểm soát ngặt nghèo, song một số chủ tàu vẫn câu kết với người nước ngoài mua bán ngư trường trái phép
Năm 2010, 5 tàu ở Bạc Liêu gồm cả 3 tàu vừa bị bắt nói trên đã bị xử phạt về hành vi mua bán ngư trường trái phép.
Trước thực trạng này, các ngành chức năng phải sớm vào cuộc và tuyên truyền cho họ hiểu về các quyền và nghĩa vụ khi tham gia đánh bắt trên biển. Và các chủ phương tiện khai thác đừng nhìn thấy lợi nhuận trước mắt mà quên đi sinh mạng của các ngư phủ của mình (đôi khi họ bị bắt giết nếu các ngư phủ này không làm việc theo họ) và làm tổn hại đến tinh thần của người thân của họ ở nhà phập phồng lo sợ. Đây cũng là bài học đắt giá cho những ông chủ “có máu liều”.
>> Lợi nhuận từ việc đánh bắt bên ngư trường Malaysia quá cao, khoảng 500 – 600 triệu đồng/3 tháng, đã khiến các chủ phương tiện “đánh liều”. “Sau khi nộp phạt, trên đường trở về Việt Nam, họ thả lưới là cũng lời nhiều rồi” – Thượng tá Nguyễn Xuân Chung, Phó Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bạc Liêu cho biết.
NGUYỄN QUỐC