Chú trọng môi trường trong chế biến thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản (CBTS) của nước ta giai đoạn từ năm 2021 – 2030 có đề cập đến mục tiêu: Phát triển CBTS hiện đại, hiệu quả và bền vững đáp ứng nhu cầu quy định của thị trường tiêu thụ; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm CBTS top 5 thế giới vào năm 2030. Để đạt được đích đến này, ngành CBTS cần hoàn thiện nhiều mảnh ghép, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường.

Rào cản từ nhiều phía

Tỉnh Thanh Hóa có 22 doanh nghiệp chuyên chế biến, kinh doanh thủy sản với tổng công suất khoảng 170.000 tấn nguyên liệu/năm. Số lao động tại các doanh nghiệp là 1.705 người; 462 hộ gia đình tham gia CBTS với 1.138 lao động. Hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp đã lập hồ sơ, thủ tục về môi trường; thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động theo nội dung đã cam kết trong hồ sơ, thủ tục về môi trường, nhưng vẫn còn một số đơn vị thực hiện chưa đúng và đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, chưa đầu tư xây dựng đồng bộ hoặc có xây dựng nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn, công suất xử lý, không vận hành thường xuyên. Chất thải chưa được thu gom và xử lý triệt để. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ môi trường ở một số khu công nghiệp, khu sản xuất tập trung chưa đồng bộ.

Những tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường lĩnh vực CBTS cũng là câu chuyện chưa có hồi kết ở Hải Phòng. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 156 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản, thủy sản và muối (81 cơ sở là các hộ gia đình; 75 cơ sở là các doanh nghiệp, HTX…) đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và trong đó có 18 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận ISO 22000, HACCP. Với những tiềm năng, lợi thế đặc biệt mà rất ít địa phương có được, Hải Phòng phấn đấu trở thành Trung tâm CBTS trọng điểm của cả nước vào năm 2030. Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu này, ngành thủy sản của thành phố cần sớm khắc phục những tồn tại liên quan đến bảo vệ môi trường. Hiện nay, đa phần các cơ sở quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu là hộ gia đình. Về lâu dài, việc tích tụ chất thải của các cơ sở sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường nếu như không kịp thời có các biện pháp thu gom, xử lý phù hợp…

Định hướng rõ ràng

Ngày 21/7/2022, Chính phủ đã phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động CBTS giai đoạn 2021 – 2023, trong đó hướng tới mục tiêu kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Nhằm hiện thực hóa và lan tỏa sâu rộng các mục tiêu trọng tâm của Đề án này, ngày 27/9, Cục Thủy sản phối hợp với Sở NN&PTNT TP Hải Phòng, Viện Nghiên cứu Hải sản tổ chức Hội thảo “Bảo vệ môi trường trong chế biến thủy sản”. Đây là dịp để các bên cùng tìm ra các giải pháp tối ưu cho mỗi địa phương trong phát triển kinh tế biển, kinh tế thủy sản. Tham gia chủ trì Hội thảo, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản nhấn mạnh, bảo vệ môi trường trong chế biến nói chung hay là trong tất cả các hoạt động của thủy sản đều rất quan trọng, góp phần giảm phát thải, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đây là thời điểm mà chúng ta nhìn nhận lại toàn bộ quá trình chế biến, đặc biệt là khía cạnh về môi trường; từ đó đề xuất ra những giải pháp công nghệ, ý tưởng về chế biến để hạn chế tối đa chất thải, góp phần bảo vệ môi trường trong CBTS. Mục tiêu sâu xa hơn là Việt Nam sẽ xây dựng được những quy trình công nghệ, các nhà máy, làng nghề xanh – sạch – đẹp đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.

Giải pháp cụ thể

Muốn cải thiện môi trường trong CBTS, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, ThS Nguyễn Công Thành, Viện Nghiên cứu Hải sản cho rằng, nên định kỳ đánh giá thực trạng công tác quản lý, bảo vệ môi trường; đánh giá nguồn và lượng thải trong CBTS; nghiên cứu tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng từ các phế phụ phẩm CBTS điển hình như vỏ tôm. Cùng đó, xây dựng, hướng dẫn và nhân rộng thực hiện các giải pháp quản lý, biện pháp kỹ thuật bảo vệ môi trường trong các làng nghề CBTS, cơ sở chế biến quy mô nhỏ phục vụ hoàn thành tiêu chí nông thôn mới, ATTP; nghiên cứu xây dựng, áp dụng và hỗ trợ cơ sở CBTS giảm thiểu nguồn thải, những công nghệ xử lý tiên tiến, tăng hiệu quả xử lý, giảm chi phí và thân thiện với môi trường.

>> Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản khẳng định, triển khai Đề án bảo vệ môi trường trong CBTS là yêu cầu tất yếu và cần thiết. Để thị trường nội địa đạt được các tiêu chuẩn đó chúng ta có rất nhiều việc cần làm trong thời gian tới, từ cơ chế, chính sách đến thay đổi hành động và nhận thức của người dân. Xây dựng kinh tế tuần hoàn giảm phát thải sẽ góp phần quan trọng bảo vệ môi trường CBTS của Việt Nam.

Thùy Khánh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!