(TSVN) – Những năm qua, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng nỗ lực nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống thủy sản cho người dân, góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất.
Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Phúc (Trung tâm) được xem là đơn vị sản xuất, cung ứng giống thủy sản có chất lượng tốt cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Hiện, Trung tâm đang chăm sóc nuôi dưỡng hơn 1.000 con cá bố mẹ gồm các giống: Trắm cỏ, chép lai, mè, với diện tích ao ương nuôi là hơn 8 ha. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã tiến hành phân công, bố trí nhân lực phù hợp với từng nội dung công việc. Chăm sóc, nuôi dưỡng đàn cá bố mẹ đúng quy trình kỹ thuật theo từng giai đoạn, đảm bảo đàn cá sinh trưởng và phát dục tốt. Tuyển chọn những con có chất lượng và loại bỏ những con có năng suất thấp. Lựa chọn những con đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật tiến hành cho đẻ nhân tạo khi đến thời vụ và thời tiết thích hợp. Nhờ quản lý và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình trong sản xuất nên chất lượng các loại cá giống do Trung tâm sản xuất được người nông dân đánh giá cao. Đàn cá phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt thấp và năng suất chất lượng cao.
Cán bộ Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Phúc chăm sóc đàn cá bố mẹ. Ảnh: Nguyễn Khánh
Ngoài ra, theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm 2020, Trung tâm được giao thực hiện chương trình hỗ trợ nuôi cá giống mới cho người dân. Cụ thể, Trung tâm đã chăm sóc, nuôi dưỡng duy trì, lưu giữ đàn cá bố mẹ và ương nuôi cá bột, cá hương, sản xuất cá giống để phục vụ cá giống mới cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, Trung tâm cũng đã chủ động cử cán bộ xuống tận cơ sở để hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý ao nuôi và phòng trừ dịch bệnh; giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy trình nuôi, định kỳ xử lý môi trường nước, thức ăn và chế độ dinh dưỡng, bổ sung men vi sinh và Vitamin tổng hợp để tăng sức đề kháng cho cá… phối hợp với các hộ nuôi chủ động theo dõi diễn biến tình hình thời tiết; sức khỏe đàn cá để có biện pháp điều chỉnh phù hợp.
Từ nguồn giống cá chất lượng do Trung tâm sản xuất, trên địa bàn tỉnh đã dần hình thành vùng phát triển NTTS theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật về giống, thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng bệnh để nuôi theo hướng thâm canh. Đến nay, đã hình thành một số mô hình nuôi thả thâm canh, quy mô lớn tại các xã, như: Phú Đa, Cao Đại, Tuân Chính (Vĩnh Tường); Nguyệt Đức, Liên Châu (Yên Lạc)… Bên cạnh các giống cá truyền thống (mè, trôi, trắm, chép…), một số giống cá mới có năng suất và chất lượng tốt đã được chuyển giao vào nuôi như: Rô phi đơn tính dòng Đường Nghiệp; chép lai 3 máu; cá nheo Mỹ; cá lăng… Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong NTTS của tỉnh. Đặc biệt quá trình đưa những giống thủy sản mới vào sản xuất đã từng bước thay đổi tập quán nuôi trồng từ quảng canh sang thâm canh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng thu nhập cải thiện đời sống nông dân, bảo vệ môi trường sinh thái.
Lãnh đạo Trung tâm cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng đàn cá bố mẹ sản xuất cá giống phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch đã đề ra; sản xuất cung ứng, kịp thời cá giống cho người chăn nuôi. Tăng cường hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh thực hiện chương trình nghiên cứu, thực nghiệm, khảo nghiệm và sản xuất giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao cung ứng đến người sản xuất. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, viện nghiên cứu chọn tạo ra những giống mới năng suất, thúc đẩy ngành thủy sản ngày càng phát triển, góp phần vào mục tiêu chung phát triển kinh tế của tỉnh.
>> Năm 2023, Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Phúc dự kiến sản xuất và cung ứng cho người nuôi trên địa bàn tỉnh 1,9 tỷ cá bột, trong đó chủ yếu là các giống cá trắm, cá trôi, cá mè và cá chép lai.
Lê Loan