Thiết thực hướng về ngư dân – những “cột mốc sống” tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió, chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa – Trường Sa” ra đời và đã nhận được quan tâm đặc biệt của nhân dân cả nước. Tất cả đều mong muốn góp một phần nhỏ bé để ngư dân vững tin ra khơi…
Đó là những khoản tiền lẻ của chị bán gánh hàng rau ngoài chợ, là một khoản tiền lương ít ỏi của những công nhân nghèo, những tin nhắn của các bạn học sinh, sinh viên hay những mạnh thường quân hỗ trợ cả trăm triệu đồng… Tất cả vì ngư dân vươn khơi, bám biển bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Không đơn độc giữa trùng khơi
Cuối tháng 10/2012, tại Quảng Ngãi, Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức chương trình giao lưu “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” với những ngư dân miền Trung gặp khó khăn, rủi ro khi hành nghề trên biển Hoàng Sa và Trường Sa.
Sự hiện diện của ngư dân trên biển mang theo Quốc kỳ Việt Nam khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc – Ảnh: Lê Đức
Từ khi được khởi động (tháng 7/2011), chương trình đã nhận được quan tâm đặc biệt và sự hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức cá nhân. Qua đó đã giúp nhiều ngư dân gặp khó khăn trong làm ăn, gặp hoạn nạn, mất mát phương tiện sản xuất từng bước đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ, sớm quay lại biển khơi vừa mưu sinh, vừa bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Đặc biệt, Tổng LĐLĐ VN đã chính thức đưa mô hình Nghiệp đoàn nghề cá vào hoạt động, nhằm tập hợp bà con ngư dân vào một tổ chức, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Công đoàn. Tham gia nghiệp đoàn, ngư dân được bảo vệ những quyền lợi cơ bản nhất trong lao động sản xuất cũng như cuộc sống hàng ngày. Đến nay cả nước đã có 30 nghiệp đoàn được ra đời. Ở Quảng Ngãi đã có 6 nghiệp đoàn nghề cá được thành lập. “Bây giờ khi ra khơi làm ăn không còn đơn lẻ nữa, có anh em nghiệp đoàn san sẻ nhau trong lúc khó khăn, nhất là dựa vào nhau trong những lúc thiên tai” – ngư dân Võ Văn Tâm, huyện đảo Lý Sơn, tâm sự.
Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kêu gọi: Để mọi ngư dân ra biển đều được gắn kết hỗ trợ, giúp đỡ nhau bám biển, làm ăn sản xuất, mọi người hãy chung tay góp sức vì “Tấm lưới nghĩa tình” giúp ngư dân có cơ hội đóng tàu, mua lưới ra khơi.
Vững vàng những “cột mốc” chủ quyền
Đón nhận sự hỗ trợ của người dân cả nước, những ngư dân được tiếp thêm sức mạnh, vững tin để vượt sóng trực chỉ Hoàng Sa- Trường Sa đánh bắt hải sản và khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ngư dân Võ Văn Tâm (Lý Sơn), người gặp sự cố hai lần trên biển: một lần bị tàu nước ngoài bắt, tịch thu toàn bộ tài sản và một lần bị chìm tàu khi đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, nói trong niềm xúc động: “Nếu không có sự hỗ trợ này, chắc tôi không bao giờ có cơ hội đóng tàu mới để ra khơi bám biển trở lại.
Ông Hoàng Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết, từ khi Chương trình Tấm lưới nghĩa tình ra đời đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của mọi tầng lớp nhân dân, đóng góp hỗ trợ cho những ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa – Trường Sa. Qua đó, nhân dân cả nước đã thể hiện tấm lòng chia sẻ với những hy sinh mất mát của ngư dân, đồng thời thể hiện trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc thông qua việc góp phần hỗ trợ những ngư dân gặp hoạn nạn.
Còn ông Lê Viết Chữ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường máu thịt đối với ngư dân miền Trung. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, thiên tai bão tố, thế lực thù địch bên ngoài lấn biển xua đuổi tàu cá ngay trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, nhưng ngư dân vẫn quyết tâm bám biển. Không ít ngư dân khi trở về chỉ còn lại hai bàn tay trắng, tàu, lưới đã bị chìm, có khi bị lấy mất nhưng vẫn quyết tâm bám biển. Đó là niềm tự hào về lòng quả cảm của ngư dân miền Trung. Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”, có ý nghĩa vô cùng to lớn, thiết thực, để ngư dân hiểu rằng, sau lưng ngư dân là hàng triệu tấm lòng của người dân cả nước, của dân tộc ta luôn sát cánh sẵn sàng bảo vệ họ.