(TSVN) – Đề án Chuyển đổi một số nghề khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường đang được Bộ NN&PTNT xây dựng và xin ý kiến góp ý từ các địa phương; nhằm mục đích đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp đối với các nghề xâm hại môi trường và nguồn lợi thủy sản, tiến tới xây dựng nghề cá phát triển bền vững.
Một trong những nguyên nhân làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt là ngư dân còn hành nghề giã cào, sử dụng phương thức đánh bắt theo kiểu tận diệt. Tại phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 1.200 tàu cá của ngư dân hành nghề giã cào; hình thức khai thác này làm cho sinh vật tầng đáy bị hủy diệt, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt. Do đó, việc chuyển đổi nghề sang nghề khai thác thân thiện với môi trường là cấp thiết. Nhiều ngư dân muốn chuyển đổi nghề cần có vốn lớn nhưng còn nợ ngân hàng nên gặp nhiều trở ngại. Những năm gần đây, Bộ NN&PTNT đã cảnh báo về tác hại của nghề giã cào và chỉ đạo cho địa phương không cấp phép, cải hoán, đóng mới tàu làm nghề lưới kéo, giã cào. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng chỉ đạo các địa phương tạm dừng đóng mới tàu cá hành nghề giã cào và khuyến khích ngư dân cải hoán phương tiện chuyển sang ngành nghề khai thác bền vững.
Cần có một dự án đào tạo nghề, đảm bảo sinh kế bền vững cho ngư dân. Ảnh: Thanh Sơn
Mục tiêu của Đề án Chuyển đổi một số nghề khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường là chuyển đổi một số tàu làm nghề khai thác hải sản xâm hại đến nguồn lợi, môi trường, hệ sinh thái, sử dụng nhiều nguồn lực, nhiên liệu sang các nghề ít xâm hại hơn hoặc chuyển một số tàu cá sang lĩnh vực khác ngoài khai thác để từng bước cân bằng lại cường lực khai thác với khả năng phục hồi tái tạo nguồn lợi; từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sử dụng nguồn lợi; cải thiện môi trường, điều kiện lao động nghỉ ngơi và thu nhập của người dân.
Phát biểu tại Hội thảo góp ý đề án chuyển đổi một số nghề khai thác ảnh hưởng đến môi trường và nguồn lợi thủy sản do Tổng cục Thủy sản tổ chức vừa qua tại Bình Định; ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản cho biết, hiện trạng nguồn lợi và cơ cấu nghề nghiệp có một số bất cập, tuy nhiên để chuyển đổi nghề nghiệp không phải là dễ. Có hai nghề cần nhanh chóng chuyển đổi là nghề lưới kéo và nghề rê thu ngừ. Nghề lưới kéo mặc dù chiếm 60 – 70% sản lượng khai thác toàn ngành nhưng chất lượng cá thấp vì vậy lợi nhuận không cao. Đặc biệt đây còn là một gây hủy hoại nền đáy ảnh hưởng lớn đến môi trường và nguồn lợi thủy sản. Nghề rê thu ngừ là nghề khai thác có năng suất kém hiệu quả. Quá trình con cá bị chết nước 4 – 13 giờ vì vậy cá bị ươn, tổn thất sau thu hoạch và lãng phí nguồn lợi. Đồng thời, nghề này cách thức đánh bắt giống bức tường chắn làm ảnh hưởng đến đường di cư của các loài thủy sản, trong đó có nhiều loài động vật quý hiếm là rùa biển, cá heo…
Theo các chuyên gia, chuyển đổi nghề đối với các nghề xâm hại nguồn lợi và môi trường thủy sản là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Tuy nhiên về số tàu chuyển đổi cần làm rõ chỉ số tàu chuyển đổi ở từng địa phương. Bên cạnh đó, nên có một dự án đào tạo nghề riêng cho ngư dân được học về các nghề giảm xâm phạm nguồn lợi, giảm cường lực khai thác, tăng giá trị và hướng dẫn sử dụng những trang thiết bị an toàn.
Ái Trinh – Hải Lý