Nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao trong nhóm hàng thủy sản đang có xu hướng sụt giảm liên tiếp trong những tháng qua. Bên cạnh yếu tố thị trường thì nguồn nguyên liệu không ổn định cũng là nguyên nhân quan trọng khiến cơ cấu xuất khẩu một số mặt hàng bị thay đổi.
Cá tra, cá ngừ qua thời hoàng kim
Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) dự báo, kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý IV vẫn chủ yếu dựa vào tôm, tổng kim ngạch 3 tháng cuối năm có thể đạt khoảng 1,7 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Có thể nói năm 2013, tôm là mặt hàng chủ lực giúp ngành thủy sản đạt mục tiêu xuất khẩu của năm nay là trên 6,5 tỷ USD trong khi một số mặt hàng chủ lực khác đang có sự sụt giảm đáng kể về cả lượng và giá.
Xuất khẩu thủy sản đang bước vào giai đoạn tăng trưởng đầy khó khăn
Nếu như những năm trước cá tra hay các loại nhuyễn thể, cá ngừ, mực, bạch tuộc luôn chiếm tỷ trọng cân đối trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản thì năm nay đã chứng kiến sự thay đổi khá rõ cơ cấu trong nhóm hàng này. Con số được Vasep đưa ra cho thấy, mặt hàng chủ lực là cá tra chỉ “bật” lên được trong khoảng từ tháng 3 -5/2013 do có các hội chợ lớn tại Mỹ và Bỉ. Có tới 4 tháng xuất khẩu cá tra bị sụt giảm kim ngạch từ 1,4- 39,2% so với cùng kỳ năm, do nhu cầu tiêu thụ ở những thị trường lớn như EU giảm mạnh. Vasep dự báo xuất khẩu cá tra khó duy trì được mức ổn định như năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ và cá biển năm nay cũng có xu hướng chững lại. Nguyên nhân chính là do nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này ở một số thị trường lớn như EU, Nhật Bản giảm mạnh do vẫn còn hàng tồn kho. Ngoài ra, các thị trường nhập khẩu cũng có yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm. Vasep lo ngại mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cá ngừ 600 triệu USD trong năm nay khó hoàn thành khi đến hết quý III, kim ngạch mới đạt 415 triệu USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ.
Nhuyễn thể xuống mức “âm”
Nếu so với con số vài tỷ USD mà tôm hay cá tra mang về cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản thì vài trăm triệu USD của mực, bạch tuộc, nhuyễn thể hay cua, ghẹ không phải là nhiều. Tuy nhiên, những mặt hàng này cũng đã làm phong phú hơn cho thủy sản xuất khẩu và góp phần đáng kể để tăng thu ngoại tệ. Thế nhưng, hơn 1 năm qua, từ tháng 7/2012 – 6/2013, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam đã giảm đáng kể, từng tháng giảm từ 16-30% so với cùng kỳ. Đến quý III, mức sụt giảm được rút ngắn xuống 1 con số, cụ thể, tháng 7 giảm 1,6%, tháng 8 giảm 6,2% và tháng 9 giảm 7,6%. Do bị cạnh tranh mạnh từ các nước khác như Trung Quốc, Senegal hay Mauritania.. và nguồn nguyên liệu chế biến ngày càng thiếu đã khiến xuất khẩu mực bạch tuộc giảm kim ngạch. Tính chung 3 quý đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này đã giảm 17,2% và chỉ đạt 309,5 triệu USD.
Xuất khẩu hải sản đang bước vào giai đoạn tăng trưởng đầy khó khăn, không chỉ do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp mà nguồn nguyên liệu trong nước cũng không đáp ứng đủ cho các đơn hàng. Theo đánh giá của Vasep, xuất khẩu mực, bạch tuộc đã có mức sụt giảm mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây; xuất khẩu cua, ghẹ cũng giảm 12,3%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 4% so với cùng kỳ năm 2012. Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu nhuyễn thể sẽ tiếp tục giảm thêm và là năm thứ 5 mặt hàng này chìm dưới mức tăng trưởng âm.
>> Tôm đang chiếm 43% tỷ trọng xuất khẩu thủy sản, luôn đạt mức tăng trưởng 2 con số, từ 20 – 66% mỗi tháng. Dự báo những tháng cuối năm, mặt hàng này vẫn còn rất đắt hàng bởi nhu cầu tiêu thụ tôm vào dịp giáng sinh và năm mới ở nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản tiếp tục tăng mạnh. |