(TSVN) – Mặc dù được Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá cao nỗ lực trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU, thế nhưng Việt Nam vẫn chưa thể gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng”. Để tránh hệ lụy kéo dài, ngành thủy sản đang quyết tâm tháo gỡ mọi vướng mắc nhằm lấy lại vị thế.
Trong 3 năm qua, nhiều biện pháp quyết liệt để chống khai thác IUU được đưa ra, song vẫn còn tình trạng ngư dân vi phạm. Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, EC đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, song vẫn chưa đồng tình cao, vì 6 tháng qua vẫn còn ngư dân vi phạm vùng đánh bắt hải sản. Nếu còn vi phạm thì EC kiên quyết không rút “thẻ vàng”.
Ngày 8/9/2020, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia IUU lần thứ 4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung quán triệt, tổ chức triển khai nghiêm túc các chỉ thị, ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các văn bản chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Theo báo cáo thực hiện khuyến nghị của EC, tính đến 31/8/2020, số lượng tàu cá cả nước đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 24.851/30.851 tàu từ 15 m trở lên, đạt 80,61%. Tuy nhiên, “có thực trạng là rất nhiều tàu khi ra khơi đã gỡ thiết bị giám sát bỏ xuống biển, còn tàu thì di chuyển ra địa điểm khác để đánh bắt”.
Từ đầu năm đến 31/8, đã xảy ra 57 vụ/92 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, giảm 53 vụ/89 tàu so cùng kỳ năm 2019. Thời gian qua lực lượng Công an cũng tăng cường điều tra, xử lý việc môi giới, móc nối đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; phát hiện 8 nhóm đối tượng nghi vấn.
Bên cạnh việc đời sống ngư dân còn nhiều khó khăn, khiến họ phải lăn lộn mưu sinh đánh bắt xa bờ, còn có hiệu tượng các “đầu nậu” tổ chức đánh bắt tại các vùng biển nhiều hải sản vì lợi nhuận. Theo chia sẻ của ngư dân tại huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh: “Họ đa số làm thuê cho chủ tàu. Chủ tàu làm thuê cho chủ vựa. Những ông chủ thực sự thì không đi biển, thậm chí không biết gì về biển cả, chỉ ở trên bờ và nghĩ tới lợi nhuận”. Như vậy, ngư dân chỉ là những vật “hy sinh, tế thần” khi bị lực lượng các nước bắt giữ.
Phát triển nghề đánh bắt xa bờ là một chủ trương đúng đắn và cần phải tiếp tục đầu tư để giữ vững chủ quyền trên biển và khai thác tài nguyên của Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh tàu cá các nước xâm lấn vào khai thác trong vùng biển Việt Nam. Nghiêm khắc xử lý các tàu đánh cá vi phạm là hết sức cần thiết, nhưng đồng thời với đó là việc tôn vinh, cổ vũ và hỗ trợ những tàu đánh cá thực hiện tốt chủ trương bám biển, phát triển nghề cá xa bờ.
Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế để giải quyết vấn đề IUU đó là việc Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định EVFTA; trong đó vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm được quy định rất rõ ràng và có các giải pháp cũng như lộ trình thực hiện. Có thể nói, việc gỡ bỏ “thẻ vàng” cũng giúp cho việc thực thi EVFTA thành công, đồng thời việc thực hiện EVFTA sẽ giúp hạn chế đánh bắt trái phép. EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 sẽ là một cơ hội để sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” để sản phẩm Việt Nam có thể phục vụ tốt hơn khách hàng tại EU.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, phải tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để sớm đạt được việc thực thi những biện pháp mà EC đặt ra, gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam; đảm bảo các kết quả này là vững chắc, thực chất”.
Trần Anh