Cá chiên là đối tượng nuôi rất triển vọng do giá trị kinh tế cao và luôn hút hàng. Trước đây, cái khó của nghề nuôi này là con giống khan hiếm. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề đang dần được tháo gỡ.
Cá chiên là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao
Đặc điểm
Cá chiên (Bagarius rutilus) được xếp vào hàng “ngũ quý” cùng với cá lăng chấm, bỗng, anh vũ, rầm xanh. Cá thường sinh sống tại các khu vực nước sâu có hang, khe đá và đặc biệt là vị trí nước chảy xiết. Chúng nằm sát đáy sông, ẩn mình trong hốc đá khiến thân hình khổng lồ không bị dòng nước cuốn đi và tạo thành nơi ngụy trang, trú ẩn lý tưởng để săn mồi.
Bản tính loài cá này dữ dằn. Cá chiên thường trú ngụ ở những vị trí hết sức hiểm trở, nước sâu và nhiều xoáy. Thượng nguồn sông Đà, nơi những ghềnh thác chảy xiết, đổ ầm ầm xuống vực nước sâu hàng chục mét được đánh giá là thiên đường trú ngụ của cá chiên.
Cá chiên có lớp da dày và có một lớp mỡ mỏng giữa da và thịt, phần đầu rất to và cứng. Nhiều người còn gọi cá chiên là “Cá Gỗ”, vì chúng ít khi di chuyển, không chạy như các loài cá có vảy khác mà thường nằm im trong hang, đến đêm tối mới mò đi kiếm ăn. Thịt cá chiên rất đặc biệt, màu vàng, toàn bộ thân mình không có xương dăm. Chỉ có xương sống chạy dài từ đầu đến đuôi cá. Thịt rắn chắc, cá càng to càng chắc. Tuy nhiên hiện nay loài cá này đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do bị săn bắt cùng kiệt.
Hứa hẹn cho nghề nuôi
Tháng 1/2014, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I đã nghiên cứu nhân giống loài cá quý hiếm này, song việc nhân giống nhân tạo gặp phải nhiều khó khăn. Mới đây, Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang đã nghiên cứu và sản xuất thành công loài cá chiên quý hiếm trong điều kiện nhân tạo, giúp chủ động được nguồn con giống phục vụ cho nghề nuôi thương phẩm nhằm mở rộng và phát triển nuôi đối tượng cá có giá trị kinh tế. Đồng thời, dần hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng khai thác cá chiên giống ngoài tự nhiên như hiện nay, góp phần bảo vệ nguồn lợi và phát triển đa dạng sinh học.
Ông Phạm Mạnh Thông, Giám đốc Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang chia sẻ, cá chiên là loài chỉ thích nghi với nơi nước sạch, có hàm lượng ôxy cao, có dòng chảy xiết… nên để chinh phục loài cá này các chuyên gia và cán bộ của Trung tâm đã trải qua 5 lần thất bại.
Giai đoạn đầu do chưa có kinh nghiệm, cán bộ Trung tâm lấy nước giếng khoan thực hiện nuôi ương. Nguồn nước này tương đối sạch nhưng do ở sâu dưới lòng đất nên hàm lượng ôxy thấp, chứa nhiều ion kim loại nên không phải là môi trường lý tưởng cho cá chiên phát triển; việc điều chỉnh dòng chảy cho từng giai đoạn trứng sinh nở và phát triển cũng là vấn đề đặt ra. Trước những khó khăn trên, Trung tâm cùng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I đã cùng nghiên cứu giải pháp. Từ việc điều chỉnh dòng, cải tạo tăng hàm lượng ôxy trong nước, chọn cá bố mẹ có chất lượng tốt, nguồn thức ăn cho cá giống trong từng giai đoạn sinh trưởng đều được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Sau hơn một năm nghiên cứu, rút kinh nghiệm, đến cuối năm 2015, việc nhân giống cá chiên đã thành công với 240 cá thể. Đến năm 2016, nhân giống thành công 1.200 con, năm 2017 là 9.200 con và dự kiến sản xuất 15.000 con giống trong năm 2018.
Theo ghi nhận của người nuôi, trước đây cá chiên giống chỉ có trong tự nhiên nên việc chọn con giống gặp nhiều khó khăn. Nếu mua giống trôi nổi trên thị trường cá thường không lớn và hay chết yểu. Việc Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang nhân giống cá chiên thành công giúp người nuôi mua được con giống một cách thuận lợi, giá cũng rẻ hơn so với giá nhập ngoài thị trường.
Hiện, Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang đang tiếp tục ương nuôi để hoàn thiện quy trình sản xuất cá chiên bằng phương pháp sinh sản nhân tạo. Với phương pháp này, cá chiên giống có khả năng phát triển nhanh, sau 3 – 4 tháng đạt chiều dài 6 – 7 cm, so với trong tự nhiên phải mất 8 – 10 tháng.
>> Gần đây, Công ty CP Yang Hanh (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) cũng đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất giống cá chiên và triển khai nuôi thương phẩm; mở ra cơ hội lớn đối với nghề nuôi cá chiên nói riêng và góp phần đa dạng đối tượng nuôi tại địa phương. |
Bài này có tài liệu năm 2017, mà bây giờ đang bước sang năm 2021. Cần có bài viết theo kịp thời gian hơn.