T4, 12/06/2024 09:00

“Con đường mới” bền vững của ngành lương thực và nông nghiệp toàn cầu

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Từ ngày 10 – 12/6/2024, tại TP HCM, Hội đồng Xuất khẩu Đậu nành Hoa Kỳ (USSEC) tổ chức Hội nghị Chuyên đề về Tính bền vững của Lương thực và Nông nghiệp Toàn cầu lần thứ 3 (FASS 2024), nội dung tập trung vào “Định hướng bối cảnh đang phát triển: Tiêu chuẩn thống nhất để nâng cao tác động bền vững”.

Khi thế giới phải đối mặt với những thách thức chưa từng xảy ra, từ biến đổi khí hậu đến biến động kinh tế, nhu cầu về các giải pháp bền vững trong lĩnh vực lương thực và nông nghiệp chưa bao giờ cấp thiết hơn thế. Hội nghị chuyên đề về tính bền vững của lương thực và nông nghiệp toàn cầu lần thứ 3 do Hội đồng Xuất khẩu Đậu nành Hoa Kỳ (USSEC) tổ chức nhằm tập hợp ý tưởng và các nhà lãnh đạo trong ngành, các nhà cải cách, nhà hoạch định chính sách và những người tạo nên sự thay đổi để vạch ra lộ trình phối hợp hướng tới một tương lai bền vững hơn.

Dựa trên sự thành công của các hội nghị chuyên đề trước đây của USSEC, trong đó tập trung vào các chủ đề nổi bật, từ việc tận dụng công nghệ để sản xuất thực phẩm bền vững đến nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc vào năm 2030, Hội nghị chuyên đề năm nay sẽ tập trung vào “Định hướng bối cảnh đang phát triển: Tiêu chuẩn thống nhất để nâng cao tác động bền vững”. Đó là lời kêu gọi hành động để tất cả các bên liên quan cùng nhau chia sẻ hiểu biết sâu sắc và xây dựng mối quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy sự thay đổi có ý nghĩa.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Anne Benjaminson, Phó tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP Hồ Chí Minh cho biết, Hoa Kỳ cam kết 1,5 tỷ USD cho những nỗ lực bền vững của ngành lương thực và nông nghiệp toàn cầu. Bộ Nông nghiệp Mỹ đang đầu tư hơn 3 tỷ USD cho các dự án nông nghiệp để hỗ trợ việc giảm phát thải khí nhà kính. Vừa qua, USDA đã triển khai chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp chống biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL trị giá 1,8 triệu USD. Đây là vùng kinh tế trọng điểm của nông nghiệp Việt Nam đang bị chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Bà Anne Benjaminson cũng bày tỏ sự biết ơn đối với Hội đồng xuất khẩu đậu nành Hoa Kỳ vì những cam kết cho những thực hành bền vững cho ngành lương thực và nông nghiệp toàn cầu. “Kể từ những năm 1980, nông dân tại Mỹ đã đề cao sử dụng nguồn nguyên liệu tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu phát thải khí nhà kính lên tới 43%. Điều này chứng minh Mỹ đã trở thành quốc gia đi đầu với những sản phẩm đậu nành được canh tác bền vững trên toàn thế giới”, bà Anne cho biết thêm.

Bà Anne Benjaminson, Phó tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM phát biểu tại Hội nghị

Trong khuôn khổ của Hội nghị, ông Ashish Kapahi, CEO Diễn đàn kinh tế châu Á, cho biết, hiện nay, việc sử dụng nước ngọt cho nông nghiệp tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái và nguồn nước ngầm dự kiến sẽ cạn kiệt nhanh hơn dầu, 30 – 35% thực phẩm sản xuất và 25% nước ngọt sẽ bị lãng phí. Bên cạnh đó, mỗi giờ, một trang trại hoạt động trên thế giới sẽ được bán cho các dự án phát triển đô thị/phi nông nghiệp. Nếu bối cảnh này tiếp tục tiếp diễn sẽ tạo ra tình trạng thiếu hụt lương thực toàn cầu lên tới 45% vào năm 2100. Đồng thời, tình hình bất ổn chính trị xã hội toàn cầu gây ra tình trạng bế tắc nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng, đẩy chi phí lên cao.

Ước tính 80% nạn phá rừng hiện tại không chỉ để sản xuất nông nghiệp mà còn để phục vụ cho đô thị hóa. Việc sử dụng quá nhiều phân bón và hóa chất gây ảnh hưởng chất lượng đất, nước và an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Trong khi đó, chi phí cho canh tác hữu cơ cao gấp 200% so với canh tác thông thường. Đối với tiếp cận nguồn vốn tài chính, nhu cầu vốn khoảng 2.000 tỷ USD, nhưng hiện chỉ đáp ứng được 10%. Đứng trước tình trạng cấp bách đó, nhiều doanh nghiệp lớn đã bắt đầu chiến dịch tham gia đường đua xây dựng một nền nông nghiệp “xanh” và bền vững.

Ông Ashish Kapahi, CEO Diễn đàn kinh tế châu Á bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp hướng đến mục tiên xây dựng nền nông nghiệp “xanh”

Theo bà Darian McBain, Giám đốc phát triển bền vững CSO, lượng phát thải NH3 hiện chiếm gần 2% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Chính bởi vậy, một số doanh nghiệp đang theo đuổi xu hướng chứng minh họ có thể tạo ra NH3 “xanh” hoặc các chất thay thế mà không gây ảnh hưởng tới khí hậu. “Chúng ta cần tài chính để giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu để có tác động thật sự và tích cực đến quá trình chuyển đổi đưa tỷ lệ phát thải ròng về 0”, bà Darian McBain nhấn mạnh.

Chúng ta có những tổ chức đã được thiết thiết lập như “Quỹ tài chính xanh”, các ngân hàng phát triển đa phương… có cơ chế hỗ trợ các quốc gia kém phát triển đang khó khăn vật lộn với xu hướng mới. Các cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng đến an ninh lương thực trên thế giới, cần điều hướng hợp lý dòng tiền trợ cấp. Chúng ta sẽ còn phải thảo luận về vấn đề này nhiều hơn cho đến khi có nguồn tiền ổn định được dịch chuyển, bà Darian McBain nói thêm. 

Bà Darian McBain, Giám đốc phát triển bền vững CSO thể hiện niềm tin về những định hướng sắp tới của ngành nông nghiệp bền vững toàn cầu

Theo báo cáo của ông Kwanpadh Suddhi-Dhamakit, cán bộ cấp cao từ World Bank, ngày càng có nhiều quốc gia tham gia thiết lập cơ chế tín dụng carbon trong nước như Indonesia, Canada, Nam Phi và Việt Nam. Các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp lại đang phải đối mặt với những thách thức trong việc thực hiện các biện pháp can thiệp khử carbon do tình hình tài chính vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, những quốc gia này có mức lợi tức đầu tư thấp và phụ thuộc vào nguồn trợ cấp để mở rộng quy mô. Hình thức can thiệp nhỏ và rời rạc và khả năng tiếp cận nguồn tài chính có hạn. Đây là một trong những thách thức lớn trong quá trình xây dựng nền nông nghiệp bền vững toàn cầu. 

Ông Kwanpadh Suddhi-Dhamakit, cán bộ cấp cao từ World Bank báo cáo về cơ chế tín dụng carbon hiện nay

Hội nghị chuyên đề về tính bền vững của lương thực và nông nghiệp toàn cầu lần thứ 3 tiếp tục diễn ra trong ngày 12/6, với các chủ đề liên quan đến các phương pháp tiếp cận đổi mới nhằm nâng cao tính bền vững thông qua chứng nhận và chính sách. Đi sâu vào các cuộc thảo luận về giảm thiểu biến đổi khí hậu, thích ứng với sản xuất lương thực trong khu vực và vai trò quan trọng của các tiêu chuẩn ngành trong việc tăng cường các nỗ lực bền vững.

Đại biểu và khách mời tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Thư Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!