Con giống tốt, khởi đầu tốt

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Để góp phần hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới, bài toán đầu tư nâng cao chất lượng con giống vẫn cần được quan tâm hơn nữa, bởi đây là yếu tố then chốt có tác động đến nhiều mặt.

2021 – Góp phần thành công

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản Việt Nam năm 2021 ước đạt 8,73 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020; trong đó sản lượng sản lượng khai thác đạt 3,92 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 4,81 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 ước đạt 8,7 tỷ USD, tăng 3,4% so cùng kỳ năm 2020.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ: Mặc dù trong điều kiện chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng Tổng cục Thủy sản thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất của các địa phương, chủ động, kịp thời báo cáo Bộ NN&PTNT hướng dẫn, chỉ đạo địa phương các giải pháp linh hoạt, phù hợp trong sản xuất (điều chỉnh mùa vụ sản xuất NTTS, đảm bảo công tác phòng chống dịch nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất…), do đó đã duy trì được tăng trưởng, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản và tổng sản lượng thủy sản năm 2021 tăng so với năm 2020, đạt chỉ tiêu đề ra.

Có thể thấy, việc cung ứng giống các loài thủy sản nói chung và các đối tượng chủ lực nói riêng như tôm, cá tra… đã có sự tăng trưởng tích cực, góp phần tạo nên thành công cho toàn ngành, song cũng cần được đầu tư hơn nữa để tạo đột phá.

Chất lượng giống thủy sản luôn là nhân tố cần được đầu tư xứng tầm Ảnh: Thanh Cường

Cụ thể, về sản xuất giống tôm nước lợ: Cả nước có 2.063 cơ sở, sản xuất khoảng 144,5 tỷ con. Về cá tra: Đến hết năm 2021, đã thay thế 65.000 con cá tra bố mẹ chọn giống cho các cơ sở sản xuất cá giống. Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL có 130 cơ sở cho sinh sản giống cá tra (số cơ sở sản xuất giống đang hoạt động là 80 cơ sở) và 2.440 ha ương cá giống; sản lượng cá tra ước đạt 2 tỷ con. Về cá rô phi: Cả nước hiện có 236 cơ sở sản xuất giống cá rô phi, trong đó có 43 cơ sở có nuôi giữ đàn cá rô phi bố mẹ, hàng năm sản xuất được 350 triệu cá rô phi giống, đáp ứng 78% nhu cầu thả nuôi, số giống còn lại được nhập từ Trung Quốc. Về nhuyễn thể: Cả nước hiện có 180 cơ sở sản xuất; sản lượng giống hàng năm khoảng 45 tỷ con giống, đáp ứng được 75% nhu cầu thả nuôi, số giống còn lại khai thác từ tự nhiên và nhập khẩu từ Trung Quốc. Về cá biển: Cả nước có 30 cơ sở sản xuất giống cá biển, sản lượng giống hàng năm khoảng 200 triệu con, đáp ứng được 67% nhu cầu nuôi, số giống còn lại khai thác từ tự nhiên và nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc. Công nghệ sản xuất nhân tạo giống cá biển còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nuôi giữ đàn cá bố mẹ đòi hỏi chi phí cao. Về tôm càng xanh: Cả nước có hiện 52 cơ sở sản xuất giống tôm càng xanh, hàng năm sản xuất 1,5 triệu tôm giống, đáp ứng 75% nhu cầu giống phục vụ nuôi về số lượng và chất lượng. Số giống còn lại nhập khẩu từ một số nước như Trung Quốc, Thái Lan… Việc cho sinh sản nhân tạo tôm càng xanh đã thành công, tuy nhiên quy trình sản xuất giống chưa ổn định, chưa chủ động được nguồn tôm bố mẹ, tôm bố mẹ đa phần được thu gom từ các ao nuôi tôm thương phẩm chưa đạt về tiêu chuẩn. Về cá nước lạnh: Trong thời gian gần đây, việc phát triển mạnh của nghề nuôi cá nước lạnh, nhu cầu con giống ngày càng tăng, năm 2020 nhu cầu khoảng 5 triệu con giống. Trong nước sản xuất được khoảng 4 triệu con, đáp ứng được 80% nhu cầu. Về giống thủy sản truyền thống: Cả nước có 2.106 cơ sở sản xuất giống cá truyền thống, hàng năm sản xuất được trên 19 tỷ con, đáp ứng 100% nhu cầu thả nuôi. Tuy nhiên, đàn cá bố mẹ sử dụng từ nhiều năm nay, đa số các cơ sở tự chọn từ đàn thương phẩm, chất lượng không đảm bảo.

2022 – Tiếp tục nâng chất và lượng

Năm 2022, dịch COVID-19 vẫn có khả năng tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu khoảng 8,9 tỷ USD, bằng 100,1% so với 2021. Diện tích NTTS ở mức 1,3 triệu ha; tổng sản lượng thủy sản khoảng 8,73 triệu tấn, tăng nhẹ so năm 2021; các sản phẩm quốc gia như: Cá tra 1,6 triệu tấn; tôm nước lợ 950.000 tấn.

Theo đó, Tổng cục Thủy sản cũng đã đặt ra nhiều giải pháp trọng điểm. Riêng với lĩnh vực giống, sẽ tiếp tục triển khai các đề án cá tra 3 cấp, nuôi biển, tôm hùm, tôm càng xanh và các chương trình, đề án, dự án khác. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ vật tư thủy sản, giống thủy sản; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định về quản lý giống thủy sản; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Riêng với cá tra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, ngành hàng cá tra có rất nhiều lợi thế. Đó là sản xuất theo chuỗi từ giống, thức ăn đến nuôi, thu hoạch, sơ chế, xúc tiến thị trường… Đặc biệt, là ngành hàng có nhiều giá trị ở các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Vấn đề hiện nay là cần làm sao nâng cao được chất lượng các chuỗi sản xuất, nâng cao chất lượng yếu tố đầu vào và cần tính đến việc đồng bộ trong vấn đề này, kể cả việc xúc tiến thị trường.

Sang năm 2022, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng dự báo thị trường cá tra tương đối lạc quan. Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành hàng cá tra phấn đấu sản lượng cá thương phẩm đạt trên 1,6 triệu tấn. Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD. Đặc biệt, trong năm 2022, ngành thủy sản sẽ tập trung nâng cao chất lượng giống cá tra. Trong đó, tiếp tục triển khai các đề án, nhiệm vụ nâng cao chất lượng giống cá tra phục vụ nuôi thương phẩm; chỉ đạo sản xuất cung ứng đủ con giống chất lượng để nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành.

>> Năm 2021, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho 16/17 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bố mẹ; kiểm tra duy trì điều kiện 4/16 cơ sở đã tới thời hạn kiểm tra (số cơ sở còn lại chưa được kiểm tra duy trì do dịch COVID-19). Các địa phương đã kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản cho 1.255/2.500 cơ sở (chiếm 50,2%).

Phương Ngọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!