Theo một báo cáo mới của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), lần đầu tiên mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người trên thế giới đã tăng lên trên 20 kg mỗi năm. Nếu không phát triển được nghề nuôi bền vững và trách nhiệm, chắc chắn cung sẽ bị cầu nhấn chìm.
Tiêu thụ thủy sản bình quân theo đầu người tăng khá nhanh trong 4 thập kỷ trở lại đây, từ mức trung bình 9,9 kg (những năm 1960) lên 11,5 kg (những năm 1970) và 16,4 kg (năm 2005). Tuy nhiên, sự gia tăng này không đồng đều ở tất cả các khu vực trên thế giới. Từ 3 thập kỷ trước, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Đông Á, chủ yếu là Trung Quốc và khu vực Bắc, Đông Phi đã tăng với tốc độ rất nhanh. Trong năm 2015, mức tiêu thụ thủy sản bình quân tại các nước đang phát triển là 14,5 kg.
Biểu đồ cung và cầu thủy sản – Nguồn: Bloomberg
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thủy sản cung cấp ít nhất 50% lượng protein ở một số nước đang phát triển, trong đó có Bangladesh, Campuchia, Equatorial Guinea, French Guiana, Gambia, Ghana, Indonesia và Sierra Leone. Khi trữ lượng thủy sản tự nhiên bị khai thác quá đà dẫn tới cạn kiệt, ngành nuôi trồng thủy sản trở thành cứu cánh cho vấn đề an ninh lương thực toàn cầu, và có thể “giải cơn khát” tiêu dùng các mặt hàng thủy sản đang gia tăng trên toàn thế giới. Nguồn cung thủy sản nuôi đã tăng từ 14% (năm 1986) lên 30% (năm 1996), 47% (năm 2006) và kỳ vọng tăng lên 50% trong vài năm tới. Nghề nuôi phát triển, nhu cầu tiêu thụ các loài thủy sản nước ngọt cũng tăng cao, điển hình nhất là cá rô phi và cá da trơn (bao gồm các loài Pangasius), tôm, cá hồi và các loài nhuyễn thể có vỏ.
Theo số liệu trong báo cáo Thủy sản 2030 – triển vọng nghề khai thác và nuôi, tới năm 2030 gần 2/3 thủy sản con người sử dụng hàng ngày đều là sản phẩm nuôi. Một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng, tới năm 2030 nghề nuôi thủy sản sẽ đáp ứng được 1/2 nguồn cung cho toàn thế giới, gồm các loài thủy sản dùng làm thực phẩm hoặc các sản phẩm khác như bột cá. Trong đó, 62% thủy sản mà con người sử dụng trên thế giới có nguồn gốc trang trại (những nơi cũng đang gia tăng công suất hoạt động để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ), đặc biệt là thị trường châu Á, nơi tiêu thụ 70% thủy sản toàn cầu.
Khi dân số toàn cầu tiến sát 9 tỷ người vào năm 2050 thì nhu cầu thực phẩm và việc làm trở thành vấn đề cấp bách. Và rõ ràng, ngành nuôi thủy sản có thể giải quyết được vướng mắc này nhưng nó cần phải được thực hành một cách có trách nhiệm. Những rủi ro và tác động môi trường từ hoạt động nuôi một số loại thủy hải sản ngày càng trở nên nghiêm trọng trong những năm gần đây. Dịch bệnh bùng nổ từ hoạt động nuôi tôm ở Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam và một số trại nuôi cá hồi ở Chile là minh chứng rõ nét cho thấy ngành thủy sản còn phải đối mặt vô số thách thức.
>> Jim Anderson, cố vấn ngân hàng trong ngành nuôi và khai thác thủy sản tại Ngân hàng Thế giới cho biết, nghề nuôi trồng thủy sản là một phần không thể tách rời của chiến lược đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Và kỳ vọng rằng, ngành này sẽ tiếp tục tiến lên phía trước để bắt kịp yêu cầu của thị trường về một sản phẩm bền vững và có trách nhiệm. |