(TSVN) – Những năm qua đã có rất nhiều mô hình NTTS ứng dụng công nghệ cao được nghiên cứu, ứng dụng và phát triển rộng rãi, mang lại thành công cho người nuôi cũng như góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành thủy sản. Sau đây là một số công nghệ điển hình.
Mô hình SUCCESS của Skretting Việt Nam có những điểm sau: Trung bình với 1 hệ thống nuôi có tổng diện tích 1 ha thì người nuôi cần dành khoảng 60% diện tích bề mặt cho khâu xử lý nước (trước khi sử dụng) và 40% diện tích bề mặt còn lại cho các ao nuôi; diện tích ao nuôi khoảng 500 – 2.000 m²; độ sâu ao nuôi: 1,5 – 1,8 m; ngoài hệ thống xả nước từ ống xả trung tâm, phục vụ công tác thay nước và xả bùn thải, nước trong lớp đất dưới đáy bạt do rò rỉ từ bạt nuôi cũng cần được thoát ra ngoài, tránh để tích tụ, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có hại, sinh khí độc gây phồng bạt hoặc gây bệnh cho tôm. Sau 3 tháng trải nghiệm, các hộ nuôi đầu tiên áp dụng mô hình SUCCESS đã thấy được hiệu quả rõ rệt, tổng lợi nhuận bình quân mỗi vụ tăng tối thiểu 30% so trước kia.
Với mong muốn tìm kiếm giải pháp nuôi có chi phí đầu tư thấp nhất và tạo thành công cao nhất cho người nuôi tôm, Vinhthinh Biostadt đã phát triển “Giải pháp nuôi tôm ao đất bền vững qua mô hình 3 giai đoạn: Ương vèo – Ao bạt trung gian – Ao đất” phù hợp với từng điều kiện nuôi, giúp người nuôi dễ dàng tiếp cận và thực hiện. Cụ thể giai đoạn 1, tôm được ương trong bể với thể tích vừa phải dưới 100 m3. Thời gian khoảng 20 – 25 ngày với tỷ lệ sống cao hơn 90% và xác suất ương thành công hơn 95%. Sau đó, tôm ương sẽ được chuyển sang giai đoạn 2 tại ao trung gian. Ao trung gian được thiết kế hệ thống bể tròn khung sắt trải bạt (hoặc là bể đất trải bạt). Tôm được nuôi trong ao bạt trung gian đến 60 ngày tuổi (bao gồm cả thời gian ương vèo giai đoạn 1), sau đó sẽ được chuyển ra ao nuôi đất ở giai đoạn 3 với mật độ thấp dưới 80 con/m2. Với quy trình sinh học và phác đồ phòng bệnh ở giai đoạn ao đất của Vinhthinh Biostadt, lượng nước thay hàng ngày ít nên sẽ hạn chế tác động đến môi trường nuôi xung quanh và tôm sẽ vượt qua được các vấn đề bệnh đường ruột gây khó khăn cho người nuôi ao đất theo cách truyền thống hiện nay.
Tập đoàn Việt – Úc đã triển khai nuôi tôm 3 giai đoạn mang lại hiệu quả cao tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Hệ thống ao nuôi được thiết kế gồm 3 ao: 1 ao ương giai đoạn 1, 1 ao ương giai đoạn 2 và 1 ao nuôi giai đoạn 3. Ao thiết kế tròn khung sắt đảm bảo an toàn sinh học tốt hơn ao đất lót bạt, vì nước bên ngoài không thấm vào ao nuôi. Ngoài ra, còn có hệ thống xử lý nước đầu vào và khu xử lý nước thải, đảm bảo môi trường nước nuôi bên trong và không ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài. Kết quả nuôi 115 ngày, tôm đạt cỡ lớn (24 con/kg); sản lượng gần 10 tấn/1.600 m2. Mô hình nuôi tôm trong nhà kính với quy trình 3 giai đoạn cộng với việc áp dụng các công nghệ cao, góp phần tăng tỷ lệ sống với hơn 90%, tiết kiệm chi phí đầu tư 20 – 25% so hình thức nuôi truyền thống.
Mô hình nuôi tôm trong bể nổi hình tròn là mô hình cải tiến, đã được nhiều địa phương trong cả nước áp dụng nhiều năm qua, mang lại hiệu quả rõ rệt. Các bể nuôi được thiết kế hình dạng tròn với thể tích tùy theo công năng dùng để chứa, xử lý nước đầu vào (1.000 – 1.500 m3), ương (200 – 500 m3) hoặc để nuôi (500 – 1.500 m3). Thực tế theo dõi mô hình và tiếp tục triển khai, nhân rộng sau mô hình, thấy đã giảm thiểu hiện tượng tôm chết sớm trong giai đoạn 20 ngày sau khi thả. Tỷ lệ tôm sống đến cuối chu kỳ đạt trên 80%. Do không sử dụng kháng sinh, hóa chất trong quá trình nuôi, không gây tác động xấu đến môi trường, tạo môi trường ao nuôi an toàn cho tôm phát triển, hạn chế dịch bệnh. Hệ số chuyển đổi thức ăn thấp, thời gian nuôi ngắn nên giảm chi phí nuôi 10 – 20% so các quy trình nuôi thông thường khác; sản lượng bình quân có thể đạt từ 48 – 60 tấn/ha… Năm 2020, mô hình này đã được Công ty TNHH Uni-President Việt Nam triển khai áp dụng cho nhiều hộ nuôi và khách hàng của mình, mang lại thành công và lợi nhuận cao.
Mô hình do Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long triển khai trong năm 2020 tại các trang trại nuôi của khách hàng ở khu vực ĐBSCL và đã mang lại hiệu quả rất tích cực, với tỷ lệ thành công 83%, cho hiệu quả kinh tế cao. Ưu điểm của mô hình là có thể áp dụng được với những trang trại có diện tích không lớn, chi phí đầu tư ban đầu thấp; các công trình hệ thống nuôi được thiết kế đảm bảo tính an toàn sinh học; quá trình nuôi được chia ra nhiều giai đoạn nên thuận tiện cho khâu chăm sóc quản lý và đặc biệt là mô hình TLSS giúp người nuôi giảm thấp chi phí giá thành sản xuất so nhiều phương pháp nuôi hiện tại.
Việc ứng dụng công nghệ biofloc trong nuôi thâm canh cá rô phi thúc đẩy tốc độ tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn được cải thiện, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường ao nuôi. Công nghệ biofloc đã được áp dụng thành công trong nuôi cá rô phi thâm canh ở một số địa phương như Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc… Công nghệ này cho tỷ lệ sống đạt 80 – 85%, năng suất nuôi khoảng 25 – 40 tấn/ha/vụ, có thể nuôi tới 2 vụ nuôi/năm. Tỷ lệ lợi nhuận/vốn đạt khoảng 20% cho 1 chu kỳ nuôi 6 tháng.
Được Viện Nghiên cứu NTTS III chuyển giao công nghệ, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc đã hoàn thiện công nghệ nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên quy mô hàng hóa tại vùng bãi ngang tỉnh Phú Yên. Đó là công nghệ RAS – hệ thống NTTS tuần hoàn trong bể xi măng với các trang thiết bị phụ trợ hiện đại như hệ thống ổn định nhiệt, UV (đèn khử trùng nước trong nuôi thủy sản), lọc sinh học, trống lọc, skimmer… Sau thời gian nuôi 10 – 12 tháng, tôm hùm xanh có thể đạt cỡ 350 g/con; sau 16 – 18 tháng nuôi tôm hùm bông có thể đạt 700 g/con. Tôm có tỷ lệ sống khá cao đạt khoảng 75%, năng suất có thể đạt 4 – 5 kg/m3. Quan trọng hơn, với công nghệ này không làm ô nhiễm nguồn nước, hạn chế rủi ro về dịch bệnh, tránh thiệt hại do thiên tai, giảm chi phí đầu tư, tạo ra được một nghề mới cho bà con: Nghề nuôi tôm hùm thương phẩm trong bể trên bờ.
Mô hình CPF-Combine thế hệ 2 hay còn gọi là “CPF-Combine version 2” do Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam chuyển giao. Mô hình thực hiện nuôi nhiều giai đoạn trong bể tròn nổi, lót bạt đáy hoàn toàn có nhiều cái lợi hơn; dễ quản lý, dễ thi công, đáp ứng nhu cầu nuôi trồng hộ gia đình nhỏ lẻ và cả tập trung. Kết quả tỷ lệ tôm sống cao, tiết kiệm điện, công lao động, môi trường nuôi và môi trường xung quanh đạt điều kiện an toàn… Với mô hình này, mỗi nhân công có thể quản lý 2 bể, thay vì Combine thế hệ 1 mỗi người chỉ quản lý được 1 bể. Đáng chú ý là tỷ lệ thành công lên tới 96%.
Thái Thuận
(Tổng hợp)