Thách thức lớn ở vựa thủy sản quốc gia

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thủy sản ĐBSCL chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, nhờ hai đối tượng nuôi trồng chủ lực là tôm và cá tra, cùng với đó là khai khác biển. Hiện nay, ĐBSCL đang đối diện nhiều thách thức đối với sự phát triển.

Tôm và cá tra

Theo Bộ NN&PTNT, diện tích nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL hiện có khoảng 669.000 ha, chiếm 92,9% diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước. Diện tích nuôi cá tra 6.000 ha, tập trung hầu hết diện tích nuôi cá tra của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của ĐBSCL hàng năm nhiều tỷ USD.

 Cũng theo Bộ NN&PTNT, toàn vùng có 1.278 cơ sở sản xuất tôm giống, đáp ứng 48,3% nhu cầu thả nuôi, số giống còn thiếu được cung cấp từ các tỉnh Nam Trung bộ. Vùng ĐBSCL chưa sản xuất, chọn tạo được tôm giống bố mẹ. Cá tra nhu cầu giống thả nuôi khoảng 3 – 4 tỷ con. Giống cá tra chủ yếu sản xuất trong nước, đủ số lượng nhưng giống có chất lượng chỉ đạt 40 – 45%, còn lại khoảng 55 – 60% giống cá tra nuôi chưa kiểm chứng được chất lượng, do không kiểm soát được đàn cá tra bố mẹ.

Đảm bảo đủ giống chất lượng tốt để thả nuôi, là thách thức lớn nhất hiện nay trong phát triển tôm và cá tra. Đồng thời, nghiên cứu quy trình chăm sóc, qua đó giữ được sản phẩm chủ lực theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. So với khu vực và trên thế giới, thì tiềm năng, dư địa nuôi tôm và cá tra của ĐBSCL còn rất lớn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Cả tôm và cá tra, phải tập trung vào chuỗi liên kết, nâng cao giá trị gia tăng ở khâu chế biến. Trong nuôi trồng, còn phải chú trọng quan trắc môi trường hơn nữa. Hạ tầng vùng nuôi lâu nay chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến nguy cơ trong quản lý an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh. Có thể nói tình hình dịch bệnh và an toàn sinh học đang là những vấn đề rất khó khăn. Tóm lại, ĐBSCL đang có lợi thế rất lớn về nuôi tôm và cá tra, nhưng nếu không đầu tư đồng bộ về hạ tầng, phòng chống dịch bệnh, con giống, kiểm soát chất lượng, quy trình nuôi, thì rất khó phát triển bền vững, nhất là thời kỳ hội nhập toàn cầu hiện nay”.

Khai thác biển

Điển hình ở tỉnh Kiên Giang, dẫn đầu cả nước về sản lượng khai thác biển, chiếm trên 15% tổng sản lượng của cả nước và trên 40% sản lượng của ĐBSCL. Sản lượng khai thác của Kiên Giang năm 2020 đạt trên 572.000 tấn, tăng 15,6% so kế hoạch nhưng giảm 5% so cùng kỳ năm 2019. Qua đó, cho thấy công suất bình quân trên 1 đơn vị tàu cá tăng nhưng sản lượng khai thác giảm chứng tỏ nguồn lợi hải sản đang suy giảm.

Cuối năm 2020, tỉnh Kiên Giang có 9.884 tàu cá; gồm 3.616 tàu dài từ 15 m trở lên (603 tàu dài từ 24 m trở lên), còn lại tàu dài dưới 15 m. Đến hết tháng 2/2021, đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 3.570/3.616 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên, đạt 99%. Số tàu chưa lắp thiết bị giám sát hành trình là 46 chiếc, đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là chủ tàu không đủ năng lực tài chính, khai thác gặp khó khăn và chủ tàu chưa muốn lắp đặt vì phải tốn chi phí cước vệ tinh hàng tháng…

Theo thống kê, Kiên Giang là tỉnh có số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nhiều nhất cả nước (chiếm hơn 50%), xảy ra nhiều năm liền và chưa có dấu hiệu giảm. Chỉ tính 8 tháng đầu năm 2020, tỉnh xử phạt 27 vụ/47 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tổng số tiền xử phạt hơn 19 tỷ đồng và tịch thu 30 tàu cá. Cũng thời gian trên, tàu cá của ngư dân Kiên Giang xâm phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý lên đến 58 chiếc.

Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) qua thanh tra lần 2 đã khuyến nghị Kiên Giang 4 nội dung: Tiếp tục tăng cường thực hiện khung pháp lý, nhất là về Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành; Quản lý, kiểm soát tốt tàu cá; Thực thi chế tài xử lý vi phạm hành chính; Đảm bảo truy xuất nguồn gốc hải sản.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết, để đạt 100% tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, Kiên Giang đang thực hiện các biện pháp: Gửi thông báo đến các chủ tàu yêu cầu lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định, nếu không thực hiện sẽ xử lý theo pháp luật. Phối hợp với chính quyền địa phương (nơi chủ tàu cá đăng ký) rà soát từng trường hợp cụ thể, tháo gỡ vướng mắc nếu có. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết cấm tàu cá không có thiết bị giám sát hành trình ra khơi hoạt động.

Đồng thời, để phục hồi nguồn lợi thủy sản, phải hạn chế cường lực khai thác. Quy định tiêu chí đặc thù về đóng mới, cải hoán và thuê, mua tàu cá trên địa bàn tỉnh Kiên Giang ban hành đầu năm 2021, chủ trương không phát triển tàu cá đến năm 2025.

>> Hằng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL lên đến hàng chục triệu tấn; tuy nhiên, cảng biển tại ĐBSCL còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Thêm vào đó là khu vực ĐBSCL còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh; thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh ATTP, chiếu xạ đạt chuẩn… Do đó, hàng hóa phải được vận chuyển qua nhiều địa điểm và phải đưa lên TP Hồ Chí Minh để xuất đi các nơi.

Thanh Hải

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!