Để tăng năng suất, đảm bảo nguồn cung tôm nguyên liệu sạch, an toàn, bền vững, nhiều trang trại nuôi tôm trên thế giới đang áp dụng những công nghệ nuôi mới, tiên tiến nhất.
Hệ thống bể xếp chồng lên nhau
Để tạo ra sản lượng tôm lớn trên 1 đơn vị diện tích, TS L.Lawrence, (Trạm Nghiên cứu nông nghiệp Texas, Mỹ) có ý tưởng nuôi tôm siêu thâm canh bằng hệ thống nước chảy xếp chồng lên nhau. Hệ thống này cho phép sản xuất được 453.000 kg/0,4 ha mặt nước, cao hơn nhiều so với các hệ thống nuôi tôm trong ao hồ tự nhiên cũng như các hệ thống nuôi tuần hoàn khép kín trước đây. TS L.Lawrence đã nghiên cứu và đưa ra kết luận rằng sẽ rất hiệu quả nếu có thể làm nhẹ được hệ thống nuôi. Tất cả những gì ông nghiên cứu đều tập trung giảm độ sâu của nước. Sau 4 – 5 năm nghiên cứu, ông đã đưa ra độ sâu mực nước thích hợp của bể nuôi là 15 – 20 cm và có thể xếp thành 7 chồng lên nhau, tất cả hệ thống nuôi tôm này được kiểm soát bằng máy tính. Năm 2012, Công ty Sản xuất thủy sản Royal Caridea đã mua bản quyền cấp phép hệ thống nuôi này trên toàn thế giới và xây dựng hệ thống nuôi tôm theo công nghệ này ở một cơ sở mới. Dự đoán trong tương lai, mỗi khu vực đô thị lớn sẽ có một trang trại nuôi tôm gần giống công nghệ này.
Công nghệ nuôi tôm 3 pha ở Honduras
Quy trình nuôi tôm 3 pha của Công ty Grupo Granjas Marinas, Honduras đã được khẳng định tính bền vững, an toàn sinh học, tạo năng suất cao, và quan trọng hơn cả là không dùng thức ăn nhân tạo. Ở pha 1, Công ty nuôi sinh khối các loài rotifer, mật độ 80 con/ml và copepod, mật độ 16 con/ml trong hệ thống raceway theo quy trình nước xanh. Sau đó, sinh khối động vật phù du này di chuyển xuống pha 2, nơi bố trí ao ương và làm thức ăn cho tôm giống. Sinh khối copepod có thể đạt khoảng 544 kg/ha trong 7 ngày và sinh khối rotifer có thể đạt 2.270 kg/ha trong 4 ngày. Ở pha 2, tôm giống được nuôi trong hệ thống ao ương khép kín có sức chứa đến 1.200 tấn. Khi tôm giống đạt kích thước 4 – 4,2 g/con, chuyển sang nuôi thương phẩm khép kín trong pha 3 với mật độ 8,1 con/m2, sử dụng các hạt floc và động vật phù du làm thức ăn. Tốc độ tăng trưởng trung bình 1,4 g/tuần, năng suất 912 kg/ha, tỷ lệ sống trung bình 74%; trong số 350 ha ao nuôi và trọng lượng tôm trung bình 15 – 16 g/con, trong thời gian nuôi 8 tuần. Đối với công nghệ nuôi 3 pha, ao ương tôm được đặt ở vị trí trung tâm, giúp cho việc vận chuyển tôm giống cỡ lớn đến ao nuôi thương phẩm thuận lợi hơn, có thể kéo dài thời gian ương, tôm giống đạt kích cỡ lớn hơn và không bị stress trong quá trình vận chuyển. Đồng thời thức ăn tự nhiên giàu dinh dưỡng, tôm dễ hấp thu; cùng môi trường nuôi luôn đảm bảo trong sạch tạo điều kiện cho tôm tăng trưởng tốt. Năm 2015, Công ty đã xây dựng thêm 700 ha, đưa tổng diện tích nuôi tôm theo công nghệ 3 pha lên 1.100 ha.
Kiểm soát vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus trong nước ao nuôi
Công nghệ xử lý nước, kiểm soát vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây Hội chứng chết sớm (EMS), hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) của Công ty Silver Bulle, Mexico đã khẳng định tính hiệu quả và được cấp bằng sáng chế. Công ty này đã chế tạo ra một loại thiết bị có khả năng khử trùng bằng phương pháp duy trì lượng H2O2 để kéo dài hoạt động diệt khuẩn, có hiệu quả cao trong bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe tôm nuôi. Tiến sĩ Silvia Gomez thuộc Phòng thí nghiệm Chính phủ ở Hermosillo, Mexico đã tiến hành thử nghiệm nuôi tôm trong môi trường nước có mật độ vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus là 105/ml, có sử dụng thiết bị Silver Bulle. Kết quả, tôm sinh trưởng, phát triển tốt và không có dấu hiệu nhiễm bệnh chết sớm hay hoại tử gan tụy và đạt tỷ lệ sống trên 90%. Theo Silvia Gomez, hệ thống xử lý nước trong ao tôm của Silver Bullet có thể kiểm soát tốt mức độ phát triển của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, không gây hại cho tôm, lại rất dễ điều chỉnh giúp việc chống hai bệnh nguy hiểm là chết sớm và hoại tử gan tụy rất hiệu quả.
Tiến sĩ Donald Lightner cũng xác nhận trong các thí nghiệm của ông, thiết bị xử lý nước Silver Bullet có thể giảm thành công lượng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus mà không có tác động độc hại nào trên tôm. Công nghệ này cũng được nhiều công ty, trang trại nuôi tôm ứng dụng, kết quả khả quan. Đây được xem như một công cụ mang lại lợi ích cho sức khỏe và năng suất sản xuất tôm, và được xem là một trong những công cụ tương lai cho nuôi trồng thủy sản.
Công nghệ này được chứng minh là an toàn cho tôm và được thiết kế theo cách dễ sử dụng, giá phải chăng. Ngoài ra, công nghệ này giữ canxi hòa tan trong nước, giúp tôm cứng vỏ hơn và tránh được tác động của màng sinh học của vi khuẩn gây bệnh, đồng thời thúc đẩy tôm tăng trưởng nhanh hơn.
Công nghệ xử lý chất thải ao tôm của Nhật Bản
Trường Đại học Kyushu, Nhật Bản đã thực hiện nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý triệt để chất thải trong quá trình nuôi tôm, đồng thời tận dụng để phát điện trên công nghệ pin nhiên liệu. Công nghệ này có khả năng chuyển đổi năng lượng trực tiếp, không gây ô nhiễm môi trường. PGS-TS Yusuke Shiratori, Khoa Nông nghiệp, Đại học Kyushu cho biết: Công nghệ này đồng thời thực hiện xử lý bùn thải để phát điện và xử lý nước bằng công nghệ tạo bọt nano… từ đó hình thành một quy trình nuôi tôm khép kín theo công nghệ cao. Bùn thải từ các ao nuôi tôm sẽ được bơm vào một hồ chứa để thực hiện phát điện thông qua hệ thống pin nhiên liệu, điện có được sẽ thực hiện mọi hoạt động nuôi tôm như chiếu sáng, chạy quạt nước, sục khí… Được biết, công nghệ pin nhiên liệu mà Đại học Kyushu đang sử dụng cho hiệu suất lên đến 45%. Toàn bộ dữ liệu được thu nhận từ trại tôm sẽ được tự động ảo hóa lên mây nhờ sử dụng công nghệ điện toán đám mây.
>> Công nghệ nuôi là công cụ hữu hiệu góp phần tăng sản lượng tôm. Theo điều tra hằng năm của Hội đồng Nuôi trồng thủy sản toàn cầu, từ năm 2013 đến 2017, sản lượng tôm toàn cầu sẽ tăng trung bình 7,7%/năm. |