(Thủy sản Việt Nam) – Chỉ thông qua một chiếc điện thoại di động nhỏ bé, người tiêu dùng có thể biết được thủy hải sản mà họ đang ăn được đánh bắt ở đâu, khi nào, thời điểm chế biến, trọng lượng và quy trình kiểm tra chất lượng ra sao, có thể hay không?
Có thật ở Tây Ban Nha
Mới đây, Công ty Nuôi trồng thủy sản Balfegó đã giới thiệu một phương pháp truy xuất cá ngừ mới. Chỉ bằng một chiếc điện thoại di động nhỏ bé, khách hàng có thể nhanh chóng truy xuất nguồn gốc một sản phẩm thủy sản bất cứ lúc nào và bất kỳ ở đâu.
Phát ngôn viên của Công ty Catalan Jorge Rodrigalvarez cho biết, chỉ bằng một chiếc điện thoại di động, người tiêu dùng có thể đọc được thông tin về món cá mà họ đang thưởng thức có được khai thác bền vững và hợp pháp hay không. Mục tiêu chính của biện pháp trên là khuyến khích khai thác bền vững các loài thủy sản cần có hạn ngạch như cá ngừ, chống khai thác quá mức và đảm bảo tương lai cho ngành thủy sản.
Để phổ biến hệ thống truy xuất nguồn gốc số hóa BIDI, Công ty Balfegó đã mời một nhóm phóng viên chứng kiến quy trình chế biến 140 kg cá ngừ tại một trang trại ở Địa Trung Hải. Tham gia buổi lễ có khoảng 400 người, trong số đó có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thủy sản, Thực phẩm và Môi trường của Catalunya – Josep Maria Pelegri; Tổng thư ký Ủy ban Quốc tế về Bảo tồn Cá ngừ Đại Tây Dương (ICCAT) – Driss Meski, và Tổng thư ký đương nhiệm của Cục Hàng hải – Alicia Villauriz. Tại buổi lễ, Tổng giám đốc của Balfegó – Juan Serrano đã đề cao trách nhiệm cộng đồng trong chuỗi kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm cá ngừ với mục tiêu khai thác cá ngừ bền vững và đến tay người tiêu dùng có trách nhiệm.
Bước khởi đầu mới ở Việt Nam
Ngày 28/6/2011, trong khuôn khổ Hội chợ Vietfish 2011, Công ty CP Dịch vụ Khoa học công nghệ Sắc Ký Hải Đăng với sự hỗ trợ của chương trình Hỗ trợ Cạnh tranh toàn cầu (GCF) đã tổ chức đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về chương trình truy xuất nguồn gốc điện tử cho sản xuất cá tra.
Mục tiêu của dự án là cung cấp dịch vụ thông tin truy xuất nguồn gốc theo một định dạng chuẩn, thuận tiện cho việc thu thập, lưu giữ và phân tích thông tin. Dự kiến dự án sẽ được triển khai từ giữa năm 2011 đến giữa năm 2013 và khi hoàn thành công nghệ này sẽ hỗ trợ các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam đáp ứng tốt hơn, kịp thời hơn các yêu cầu truy xuất nguồn gốc của nhà nhập khẩu nước ngoài, hỗ trợ cảnh bảo sớm, giảm rủi ro tranh chấp thương mại, tăng uy tín của nhà xuất khẩu và chế biến thủy sản Việt Nam.
Bà Lê Vân Anh, người điều phối dự án cho biết, dự án đang được triển khai ở hai tỉnh An Giang, Cần Thơ và tiếp tục mở rộng ra các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL. Những người tham gia dự án cũng hướng tới việc mở rộng cung cấp dịch vụ cho các địa phương khác và các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu khác như cà phê, điều, rau và hoa quả tươi.
Sao Mai