(TSVN) – Nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thế mạnh của thủy sản Việt Nam, thế nhưng, giá trị xuất khẩu mặt hàng này hiện vẫn rất thấp vì gần như mới chỉ dừng lại ở xuất khẩu thô. Việc thay đổi lại phương thức sản xuất, đẩy mạnh chế biến giá trị gia tăng của đối tượng nuôi này đang được ngành và các doanh nghiệp chú trọng.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), Việt Nam đã xuất khẩu nhuyễn thể sang nhiều thị trường trên thế giới, với giá trị kim ngạch năm 2014 đạt 79 triệu USD, đến năm 2019 đạt 93,7 triệu USD. Đối tượng xuất khẩu chính là nghêu/ngao. Đến nay, EU đã công nhận 12 vùng nuôi nhuyễn thể an toàn trên cả nước, khả năng thu hoạch 200.000 – 220.000 tấn/năm.
Giá trị kinh tế từ nuôi trồng nhuyễn thể hai mảnh vỏ (trong đó có ngao, hàu) ngày càng cao. Định hướng đến năm 2030, tổng diện tích nuôi ngao của cả nước sẽ đạt 24.550 ha, sản lượng trên 393.000 tấn. Dự báo đến năm 2030, tổng sản lượng xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của cả nước đạt trên 74.000 tấn, tổng giá trị xuất khẩu trên 201 triệu USD. Với thị trường ngày càng mở rộng, yêu cầu chất lượng sản phẩm cao hơn đòi hỏi người sản xuất, đơn vị chế biến phải cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ, đảm bảo các yêu cầu khắt khe của thị trường, nhất là tại EU, Nhật Bản và Mỹ.
Tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục Thủy sản, một trong những khó khăn của nghề nuôi ngao hàng hóa tập trung tại các tỉnh ven biển hiện nay là nguồn giống. Hàng năm, nhu cầu ngao giống của cả nước là 70 tỷ con, trong đó nguồn giống gốc từ sinh sản nhân tạo chỉ đạt 15 – 20 tỷ con. Nguồn giống cho nuôi thương phẩm vẫn còn dựa vào tự nhiên nên thiếu tính chủ động về chất lượng và số lượng. Mặt khác, việc thiếu sự quản lý trong khai thác nên nguồn giống tự nhiên đang có nguy cơ cạn kiệt.
Ngoài ra, nuôi ngao tại các địa phương ven biển hiện nay còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến ô nhiễm môi trường, phát triển thiếu bền vững.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp có rất nhiều ngành hàng, trong đó ngao, hàu có tiềm năng phát triển ra thị trường thế giới. Chúng ta cần phải phát triển để có thể xuất khẩu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu thô; cần áp dụng công nghệ chế biến để tạo ra hàm lượng giá trị cao trong ngành nông nghiệp nhiều tiềm năng này. Cùng đó, phải đáp ứng những tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu cũng như phát triển ngành bền vững. Đơn cử như việc Trung Quốc đã bổ sung cho phép nhập khẩu chính ngạch 1 loại hàu và 3 loại ngao; Hiệp định EVFTA có hiệu lực với các điều khoản liên quan mang lại lợi thế cho xuất khẩu các mặt hàng nhuyễn thể hai mảnh vỏ sang thị trường EU.
Việc hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm thủy sản nói chung và nhuyễn thể hai mảnh vỏ nói riêng tại các thành phố lớn cũng là điều kiện kích thích tiêu dùng nội địa. Bối cảnh mới không chỉ tạo nhiều cơ hội mà còn là thách thức mới; do vậy, chúng ta cần có những biện pháp cụ thể để đồng bộ việc điều chỉnh phát triển sản xuất và kết nối thị trường tiêu thụ ngao, hàu.
Theo Thứ trưởng Lê Minh Hoan, không phải riêng ngao, hàu, mặt hàng nào tăng trưởng nóng quá cũng mang theo những rủi ro. Ngành nuôi trồng liên quan đến môi trường nước có thể làm ô nhiễm hệ sinh thái. Thế nhưng, những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bao giờ cũng yêu cầu sản phẩm không chỉ ngon mà còn không làm ảnh hưởng tới môi trường sinh thái.
“Để phát triển nông nghiệp bền vững nói chung, phát triển ngao, hàu nói riêng, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất và nhà quản lý cần tập trung vào 6 vấn đề cốt lõi là tìm kiếm thị trường; tăng cường hợp tác; đẩy mạnh các khâu, chuỗi liên kết; cắt giảm chi phí sản xuất; ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; hướng đến chế biến tinh, gia tăng chất lượng sản phẩm, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh”, Thứ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Vũ Mưa