Trong vòng hai ngày nữa, Rùa hồ Gươm sẽ trở lại môi trường sống tự nhiên, trong khi hàng chục nghìn con cá đã được thả vào hồ làm thức ăn cho Rùa.
Rùa hồ Gươm đã lành vết thương. Ảnh: Hà Đình Đức. |
Theo tiến sĩ Bùi Quang Tề, trưởng nhóm chữa trị Rùa hồ Gươm, nước hồ Gươm đã được bơm vào bể nuôi Rùa từ tối qua, thay cho nước máy.
"Kể từ khi Rùa gặp nước hồ, chúng tôi chưa thấy dấu hiệu phản ứng tiêu cực nào từ cụ. Vì thế ngày mai hoặc ngày kia chúng tôi sẽ đưa Rùa trở lại hồ", ông Tề cho biết hôm nay.
Trước khi thử nghiệm cho Rùa sống trong nước hồ, tổ chữa trị đã thực hiện 4 lần phân tích mẫu bệnh phẩm của cụ Rùa, lần cuối cùng vào ngày 30/5 vừa qua, kết quả cho thấy cụ Rùa hoàn toàn bình phục.
"Hiện màu nước hồ xanh trở lại đúng như tên gọi hồ Lục Thủy, các yếu tố thủy sinh, nhiệt độ, vi lượng khác trong hồ đều đảm bảo cho Rùa quay trở lại. Thời gian tới tổ chữa trị sẽ bổ sung chất kiềm khi thả rùa về tự nhiên", tiến sĩ Tề nói thêm.
Sáng nay Chi cục Thủy sản Hà Nội đã thả khoảng 60 nghìn con cá vào hồ Gươm đề làm thức ăn cho cụ Rùa, chủ yếu là cá trôi, mè, rô phi, ông Tề nói thêm.
Hiện Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm dự thảo quy chế bảo vệ hồ Gươm và môi trường sống cho cụ Rùa.
Rùa hồ Gươm được đưa lên bờ để điều trị các vết lở loét từ đầu tháng 4, sau một cuộc vây bắt rầm rộ. Sức khỏe của cụ Rùa luôn gây sự chú ý đặc biệt đối với công chúng, bởi Rùa được cho là biểu tượng thiêng của hồ Gươm, Hà Nội, cũng như khát vọng hòa bình của dân tộc.
Cụ Rùa này là một cá thể cái, khi bắt lên nặng 170 kg, chiều dài 208 cm, chiều rộng 103 cm. Theo Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (CI), hiện trên thế giới còn 4 con rùa thuộc loài này, hai ở Việt Nam và hai ở Trung Quốc.
Hương Thu
Theo VNE