Củng cố, phát triển tôm bố mẹ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Những năm qua, mặc dù đã được các cấp, bộ, ngành quan tâm đầu tư, song đến nay, sản xuất tôm giống ở nước ta vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu. Đây được xem là trở ngại lớn cần sớm tháo gỡ để góp phần giữ vững mục tiêu tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững.

Tiếm ần nhiều rủi ro

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, điểm yếu nhất đối với ngành tôm hiện nay là chưa làm chủ được khâu sản xuất tôm giống. Bởi tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất. Năm 2021, tổng nhu cầu tôm bố mẹ là trên 281.800 con, tuy nhiên, có đến trên 240.800 con tôm bố mẹ từ nguồn nhập khẩu và chỉ có 41.000 con tôm bố mẹ được sản xuất trong nước (gồm 21.000 con TTCT và 20.000 con tôm sú). Hằng năm, lượng tôm bố mẹ nhập khẩu duy trì khoảng 200.000 con TTCT, được nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ và Thái Lan (trong đó, tôm nhập khẩu từ Công ty SIS – Mỹ chiếm 53,5%, Công ty CP – Thái Lan chiếm 20,1%, còn lại là các đơn vị cung cấp khác chiếm 26,4% (gồm: Kona Bay; Oceanic Institute of Hawaii Pacific University; Top Aqua; American Penaeid; SyAqua; Molokai Sea Farms…).

Việc nhập tôm bố mẹ từ nước ngoài có khá nhiều điểm bất lợi. Đầu tiên là nguồn cung hạn chế, lúc cao điểm sẽ không đáp ứng đơn hàng và thậm chí rủi ro cho cả ngành nếu không còn nguồn nhập. Cùng đó, chi phí vận chuyển đắt đỏ và đặc biệt là chất lượng không đảm bảo, ảnh hưởng đến tôm giống. Như vậy, sự lệ thuộc quá lớn, không thể chủ động nguồn tôm bố mẹ đã khiến người nuôi tôm ở Việt Nam phải trả giá rất đắt mà vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Năm 2021, tổng nhu cầu tôm bố mẹ của Việt Nam là trên 281.800 con. Ảnh: Kona Bay

Tăng cường đầu tư nghiên cứu

Để sản xuất được con giống chất lượng, nguồn tôm bố mẹ đóng vai trò then chốt. Việc chủ động nguồn tôm bố mẹ giúp sản xuất ra nguồn giống có sức đề kháng và tỷ lệ sống cao, thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Do đó, nhằm giải quyết bài toán này, cả ngành tôm Việt Nam từ các Viện, trường đến các doanh nghiệp đều đã vào cuộc. Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành liên quan đã ban hành nhiều thông tư, nghị định về quản lý giống thủy sản, góp phần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát con giống ngày càng tốt hơn.

Nhiều năm qua, Tổng cục Thủy sản đã chủ trì, giao các Viện Nghiên cứu NTTS I, II, III lai tạo được một số dòng tôm bố mẹ chất lượng cao và đã tiến hành sản xuất giống, thả nuôi thương phẩm để đánh giá, khảo nghiệm trên diện rộng. Có thể kể đến như tôm sú Moana do RIA I hợp tác cùng Công ty TNHH Moana Ninh Thuận nghiên cứu và phát triển. Tôm bố mẹ đã được gia hóa trong điều kiện kiểm soát an toàn sinh học tốt nên có chất lượng đảm bảo, sạch bệnh và năng suất tốt.

Thời gian gần đây, số lượng nhập khẩu ngày càng giảm, do nguồn trong nước ngày một củng cố, phát triển với sự tham gia của các doanh nghiệp và nhà nước tăng cường nguồn lực nghiên cứu cho các viện nghiên cứu. Đồng thời, giai đoạn 2022 – 2030, từ chương trình giống, sẽ tăng cường đầu tư nghiên cứu tôm sú, giúp tăng thêm phần chủ động nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh cung cấp cho sản xuất trong nước (TTCT trong nước: Tập đoànViệt – Úc sản xuất được khoảng 20.000 con và cung cấp cho nhu cầu của Tập đoàn. Đối với tôm sú, Công ty TNHH Moana Ninh Thuận nhập khẩu tôm Postlarvae từ Hawaii về ương dưỡng thành tôm bố mẹ. Năm 2020, Công ty đã sản xuất, cung cấp 21.000 con, đáp ứng được 42% nhu cầu).

Bên cạnh đó, tính đến hết năm 2021, Tổng cục Thủy sản đã kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho 17/18 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bố mẹ (đã cấp được 100% cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm sú, TTCT bố mẹ), kịp thời sản xuất giống bố mẹ cung cấp cho thị trường sản xuất giống cho nhu cầu nuôi thương phẩm. Ngoài ra, định kỳ 2 năm/lần tổ chức Đoàn kiểm tra (Tổng cục Thủy sản, một số đơn vị của Bộ NN&PTNT, Quốc hội, Chính phủ…) kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất tôm giống bố mẹ tại nước xuất khẩu. Ngoài ra, còn tổ chức Đoàn công tác (cơ quan của Bộ, đại diện một số cơ quan, ban, ngành địa phương Bạc Liêu, Kiên Giang…) sang Hawaii, Ecuador nắm bắt, học hỏi công tác quản lý chất lượng tôm giống.

>> Năm 2022, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000 - 270.000 con (trong đó, TTCT 200.000 - 210.000 con, tôm sú 60.000 con); tôm giống khoảng 140 - 150 tỷ con (trong đó, TTCT 100 - 110 tỷ con và tôm sú 30 - 40 tỷ con).

Diệu Châu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!