Cuộc chiến pháp lý trên Biển Đông

Chưa có đánh giá về bài viết

Luật Biển Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 21.6 với 99,2% đại biểu tán thành. Chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa được ghi rõ ngay tại Điều 1 của luật Biển cho thấy Nhà nước ta khẳng định chủ quyền của mình trên hai quần đảo mà các triều đại phong kiến Việt Nam đã xác lập từ hàng trăm năm trước.

Ngày 24.6, trao đổi với ThS Hoàng Việt, giảng viên đại học Luật TP.HCM đang có mặt ở Hà Nội, ông khẳng định: “Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu trên thực tế hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, ít nhất là từ thế kỷ XVII, khi hai quần đảo này còn là đất vô chủ. Việc các nhà nước phong kiến Việt Nam chiếm hữu hai quần đảo đó là thật sự, rõ ràng, liên tục và hoà bình”.

 

Vũ khí mới bảo vệ biển đảo

Theo ThS Hoàng Việt, luật Biển Việt Nam được thông qua với số phiếu gần như tuyệt đối như vậy cho thấy quyết tâm luật hoá các vấn đề phức tạp liên quan đến biển, đảo của Nhà nước ta là rất cao. Trước đây, đã có lần chúng ta muốn thực thi ý chí mạnh mẽ này của quốc gia nhưng điều kiện chưa thật hội đủ. Nay, chúng ta đã là thành viên của Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS) nên chúng ta có cơ hội để tiệm cận với nhiều quy định chung của nó, đặc biệt là nguyên tắc sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp với những quốc gia khác. Đây còn là cơ hội để Việt Nam có thể phát triển kinh tế biển.

Chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa được ghi rõ ngay tại điều 1 của luật Biển cho thấy Nhà nước ta khẳng định chủ quyền của mình trên hai quần đảo mà các triều đại phong kiến Việt Nam đã xác lập tự hàng trăm năm trước. Ảnh tư liệu từ trang thông tin khoa học kỹ thuật quân sự và giáo dục quốc phòng.

Tương tự, TS. Dương Danh Huy từ quỹ Nghiên cứu Biển Đông, Anh Quốc, trả lời phỏng vấn BBC ngày 20.6 cũng cho rằng, luật Biển lần này của Việt Nam càng tuân thủ các điều khoản của UNCLOS bao nhiêu thì sự ủng hộ của quốc tế dành cho Việt Nam sẽ càng thuận lợi bấy nhiêu. Đấy cũng là cách để Việt Nam có thể vận dụng Luật quốc tế để đấu tranh chống lại “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đang đòi hỏi chiếm hữu 80% diện tích Biển Đông hiện nay.

Ngày 22.6, trả lời phỏng vấn báo Yomiuri, Nhật, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nói rõ, việc thông qua luật Biển Việt Nam thể hiện đúng ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Đây là thời điểm chín muồi để tỏ rõ quyết tâm khẳng định chủ quyền của đất nước trước những đòi hỏi vô lý về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Phúc nhìn thấy trong bộ Luật vừa thông qua có các biện pháp cần thiết, bao gồm cả quyền tự vệ chính đáng để bảo vệ chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo của Việt Nam. Đây là những quyền cơ bản của một nước đã được thừa nhận bởi chính Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Ngày 21.6, trang web bộ Ngoại giao Việt Nam đăng tuyên bố của người phát ngôn bộ Ngoại giao khẳng định: Luật Biển Việt Nam vừa thông qua là một hành động lập pháp bình thường, chính đáng, vì Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý và chứng cớ lịch sử về chủ quyền không thể tranh cãi tại hai quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa trên Biển Đông. Người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: Trường Sa – Hoàng Sa được đề cập đến trong Luật Biển Việt Nam không làm ảnh hưởng tới quá trình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, vì đây không phải là vấn đề mới mà chỉ tiếp nối các luật Việt Nam đã có trước đây.

Theo RFI, Pháp, ngày 22.6, trong vấn đề Biển Đông, khi nói đến pháp lý, Bắc Kinh hoàn toàn không đưa ra được một chứng cứ nào để khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. Có lẽ đây là lý do khiến cho Bắc Kinh “nổi cơn thịnh nộ” và đe dọa chống lại luật Biển của Việt Nam một cách kịch liệt. Đối với người dân Việt Nam, lời dọa nạt của Bắc Kinh không làm họ lo sợ. Luật Biển là ngọn gió mới làm giới thanh niên sinh viên lên tinh thần. Ít ra những người có trách nhiệm cầm súng bảo vệ Tổ quốc hay đàm phán trên bàn hội nghị kể từ nay có thêm trong tay những cơ sở pháp lý như là một vũ khí mới để bảo vệ biển đảo.

 

Trung Quốc phản đối gay gắt

Ngày 22.6, theo phân tích của nhật báo Mỹ New York Times, trong một “pha biểu diễn quyết tâm” đối đầu với mọi tranh chấp tại Biển Đông, Trung Quốc đã đả kích một cách mạnh mẽ việc Việt Nam thông qua luật Biển khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa).

Luật Biển Việt Nam vừa thông qua là một hành động lập pháp bình thường, chính đáng.

Thái độ giận dữ của Trung Quốc được biểu lộ hai tuần trước khi diễn ra Hội nghị cấp Ngoại trưởng của ASEAN tại Phom Penh, trong đó sẽ có sự tham dự của các Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc. Theo giới phân tích, Biển Đông sẽ là một chủ đề trong chương trình nghị sự. Bắc Kinh đã gấp rút ban hành một số biện pháp hành chánh trong mưu toan đặt quốc tế và các nước láng giềng trước sự đã rồi. Mới đây, Trung Quốc tuyên bố nâng cấp địa bàn Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cùng với đảo Macclesfield Bank (Trung Quốc gọi là Trung Sa) thành Thành phố Tam Sa. Người phát ngôn bộ Ngoại giaoViệt Nam đã lên án hành động này của Trung Quốc.

Cũng trong kế hoạch biến Biển Đông thành ao nhà, Trung Quốc tiếp tục duy trì tàu ngư chính và tàu đánh cá bên ngoài vùng bãi đá ngầm Scarborough, sau hơn hai tháng diễu võ giương oai. Theo nhận định của tờ New York Times, Hội nghị Diễn đàn An ninh Khu vực (ARF) tại Phnom Penh trong hai tuần tới diễn ra khi tình hình Biển Đông căng thẳng và cạnh tranh ảnh hưởng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng. Trong bối cảnh này, việc Việt Nam đã chủ động khẳng định chủ quyền biển đảo bằng một đạo luật quốc gia là một hành động lập pháp đầy ý nghĩa.

Cũng theo ông Đinh Kim Phúc, thông qua một đạo luật là hoạt động của nhà nước pháp quyền, nhưng đạo luật đó có đi vào cuộc sống như mong muốn hay không, còn tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Luật Biển Việt Nam vừa được thông qua có thể chưa phải là công cụ vạn năng để giải quyết tất cả các tranh chấp về chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam và trên Biển Đông với các bên liên quan, nhưng đó sẽ là một công cụ không thể thiếu đối với cuộc chiến pháp lý trên Biển Đông trong khuôn khổ Hiến chương LHQ và UNCLOS.

Trần Hiếu Chân

Theo SGTT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!