Sản phẩm “Mắm cáy Quảng Phúc” của huyện Quảng Xương đã được công nhận OCOP 4 sao.
Do đặc thù vùng nguyên liệu là con cáy sống ở vùng triều- nơi có cây cói phát triển, sông Yên và sông Hoàng chảy qua nên người dân đã biết khai thác thế mạnh vùng đất này để làm giàu. Vì thế, bên cạnh sản xuất cây cói, con cáy đã trở thành nguồn thu nhập chính của người dân. Thịt cáy rất giàu protid, lipid, CA, FE, Vitamin B1, B2… có tác dụng bổ khí huyết, liền gân xương, thông huyết mạch. Đồng thời thịt cáy còn có tính lành, không gây dị ứng đối với những người mẫn cảm với hải sản. Chả thế mà những người mẹ mang bầu, nuôi con nhỏ, thịt cáy không thể thiếu trong các bữa ăn.
Từ con cáy, người dân có thể chế biến ra nhiều món cáy khác nhau: nước mắm cáy, cáy rang muối, cáy rang me, cáy kho lá chanh. Mắm cáy dùng để chấm các món rau, củ, quả, thịt luộc, làm nước chấm bún rất ngon và hấp dẫn. Do đặc thù con cáy là sản phẩm tự nhiên, sống ở ven sông vùng triều, cáy được đánh bắt đưa về phải là cáy tươi. Để làm món cáy ngon, chất lượng người làm mắm phải làm tốt nhiều công đoạn khác nhau, từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến. Con cáy chọn làm mắm phải to, đang còn tươi sống, bóc yếm, rửa sạch, để ráo nước và được trộn với muối theo tỷ lệ phù hợp và công đoạn ủ mắm phải đúng nhiệt độ, thời gian thì mắm cáy mới giữ được vị thơm mát, ngọt nhẹ và màu sắc. Nguyên liệu làm mắm cáy phải là cáy nguyên con cùng với muối biển được ủ trong chum, vại bằng sành, không sử dụng chất tạo màu hay các chất phụ gia khác nên luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm – an toàn cho người tiêu dùng.
Các xã viên HTX sơ chế sản phẩm cáy tươi.
Theo ông Bùi Ngọc Tam, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Quảng Phúc chia sẻ: Công đoạn làm mắm cáy khá vất vả: cáy bắt về được làm sạch, xay giã theo công nghệ, ủ với công thức 70% cáy, 30% muối trong thời gian 1 năm, sau đó cáy được lọc sạch, đóng chai cung cấp ra thị trường. Nếu trước đây làm thủ công, mắm cáy chỉ đóng vào chai nhựa phục vụ khách thì nay sản phẩm được chứng nhận OCOP có tem nhãn, truy xuất nguồn gốc. HTX đã đầu tư máy xay, máy dán túi, máy hút chân không công nghiệp, máy dán nhãn tự động, máy chiết rót, máy đóng nắp chai bán tự động… nên chất lượng được nâng lên. Theo đó sản lượng tiêu thụ gấp 10 lần so với trước đây, được khách hàng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao…
Được biết, hiện HTX có hơn 100 hộ dân tham gia sản xuất làm mắm cáy đã và đang tạo việc làm cho 1.000 lao động mức thu nhập ổn định. Mặc dù thành lập chưa lâu nhưng HTX đầu tư được 2 kho lạnh với quy mô sản xuất từ 6.000 – 8.000 lít. Để thuận lợi cho việc thu mua sản phẩm, HTX bố trí 1 điểm tập trung và 4 điểm lẻ. Việc đánh bắt nguyên liệu cáy tươi đã được cải tiến nhiều, nếu trước đây đánh bắt thủ công khá vất vả thì nay người dân đã dùng mồi cho cáy vào ống nên sản lượng nhiều hơn. Với cáy tươi có giá 65.000 đồng/kg, sau khi sơ chế đạt 100.000 đồng/kg, sản phẩm hoàn thiện có giá 200.000 đồng/lít. Do đó nhiều hộ dân đã thoát nghèo và làm giàu từ nghề làm mắm cáy. Khác với trước đây cuộc sống của người dân còn lam lũ, giờ nhiều ngôi nhà khang trang được xây dựng cao tầng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Là người tâm huyết, hết lòng với nghề mắm cáy trên quê hương, ông Bùi Ngọc Tam cho biết thêm: Sản phẩm của HTX sản xuất không đủ tiêu thụ trên thị trường. Với mong muốn đưa sản phẩm tốt nhất đến với người tiêu dùng “Vì sức khỏe cộng đồng” nên quá trình sản xuất HTX luôn thực hiện tốt 5 không: không pha chế, không phụ gia, không hương liệu, không chất bảo quản, không chất tạo cao đạm. Bên cạnh đó, khi đưa ra sản phẩm đều hướng dẫn cách pha chế thêm: lắc đều mắm cáy trong chai trước khi rót mắm cáy vào bát, cho thêm mì chính, đường, tỏi, ớt và một ít nước cốt chanh rồi khuấy đều cho đến khi các nguyên liệu hòa tan với nhau. Đồng thời lưu ý mắm cáy sau khi đã mở nắp nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh sẽ ngon và hấp dẫn hơn…
Với sự phát triển không ngừng của ngành “Công nghiệp không khói” tỉnh Thanh, sản vật độc đáo “Mắm cáy Quảng Phúc” sẽ là một trong những món quà độc đáo không thể thiếu khi khách du lịch đến với mảnh đất này.
Đức Vũ
Nguồn: Báo Thanh Hóa