Vùng đất Bình Định không chỉ nổi danh bởi cảnh đẹp nức tiếng mà còn níu chân du khách bằng những món ăn đặc sắc từ các loài thủy, hải sản quý hiếm của địa phương.
Da cá mú
Cá mú bông thường sống ở vùng nước “xà hai”, hay còn gọi là “nước lợ”, nơi giao tiếp giữa hai nguồn nước sông và biển. Ở Đầm Thị Nại (Quy Nhơn) và đầm Trà Ổ (Phù Mỹ) là nơi nhiều cá mú bông. Tuy nhiên, nổi nhất vẫn là cá mú ở Phù Mỹ. Người ta nói rằng, đã ăn cá mú bông Phù Mỹ rồi thì những món cá khác hầu như không còn hấp dẫn nữa, trong đó, thú vị nhất là món ăn chế biến từ da cá.
Những khi bắt được con cá mú lớn, ngư dân thường lột da đem phơi khô, để dành khi giỗ chạp hay có khách quý mới mang ra chế biến. Da cá mú dày, do vậy phải phơi thật khô mới giữ được lâu. Khi chế biến, cắt một miếng da rồi thái nhỏ rang trên cát, sau đó ngâm nước cho sạch, vớt ra để ráo, trộn với đậu phộng rang vàng, rau răm thái nhỏ, nêm thêm gia vị ớt, tỏi, bột ngọt, nước mắm.
Ăn miếng da cá mú trộn bạn sẽ thấy hết cái đặc biệt của câu “nhất bì nhì cốt”, nó vừa dẻo vừa thơm, vừa ngọt,vừa béo. Thêm một chút rượu Bàu đá, bạn sẽ cảm nhận được trọn vẹn món ngon đất Bình Định.
Ốc vú nàng
Ốc vú nàng trưởng thành to cỡ ba ngón tay chụm lại, vỏ màu xám, mặt phía trong màu xà cừ. Ốc vú nàng có quanh năm nhưng chỉ xuất hiện nhiều vào những ngày trăng tròn. Chúng sống bám vào các ghềnh đá, há miệng đón nước biển chứa các vi sinh vật để sinh trưởng.
Ốc vú nàng khai thác xong mang về rửa sạch, luộc chín, sau đó dùng dao tách thịt ốc ra khỏi vỏ, cắt bỏ những chỗ nhớt màu xanh có vị đắng, rửa sạch lần nữa. Thịt ốc thái mỏng theo chiều dọc, trộn với thịt ba chỉ, dưa leo, rau thơm, lạc rang, một miếng chanh tươi, ít ớt, tiêu, nước mắm nhỉ, bột ngọt… Món gỏi ốc vú nàng ăn kèm bánh tráng nướng, chấm nước mắm gừng pha loãng, thì người khó tính đến mấy cũng phải khen ngon…
Ngoài ra, có thể đem những con ốc mới bắt từ biển lên nướng trên lửa than hồng. Chỉ cần ít muối tiêu pha chanh, ớt là có thể tận hưởng đầy đủ hương vị kỳ diệu của biển. Nước trong vỏ ốc vừa ngọt vừa thơm, thịt ốc mềm không dai như thịt sò, ngao, sìa, hàu… Vì vậy, ốc vú nàng còn được mệnh danh là loài ốc biển ngon nhất.
Cá chình mun
Đầm Trà Ổ nằm ở giữa hai xã Mỹ Lợi, Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Trà Ổ có hai mùa nước, mùa đông nước ngọt từ các con sông chảy về, mùa nắng nước biển hòa với nước đầm tạo nên con nước xà hai. Thủy sản ở đầm Trà Ổ rất phong phú, đa dạng, tại đây có loài chình mun rất quý hiếm, giá trị dinh dưỡng cao…
Thịt chình mun màu hồng tươi và rắn chắc. Điều kỳ lạ là thịt chình để lâu lâu rồi chế biến mới ngon. Các nhà hàng cao cấp chế biến chình mun bằng cách cắt chúng ra thành nhiều miếng nhỏ, ướp với tiêu, ớt, muối, hành; nhất là cuốn thịt chình mun với lá chanh, kẹp thành từng vỉ nướng trên lửa than hồng.
Chình mun còn hấp dẫn với món hấp và cháo. Sau khi đã ướp thịt chình với hành, ớt, muối, đặt vào trong một tô lớn, xung quanh là nếp với đậu xanh, bá hạp, câu hỷ, đại táo… tất cả đem hấp cách thủy. Những chất bổ, hương vị ngọt thơm đều được giữ nguyên vẹn. Thịt chình mun đầm Trà Ổ là món ăn ngon, bổ dưỡng sánh ngang với súp yến sào…
Cua huỳnh đế
Cua huỳnh đế có nhiều ở vùng ven biển Bình Định. Thịt cua huỳnh đế thơm ngon, là loại đặc sản biển có giá bán đắt đỏ. Cua huỳnh đế khi hấp chín có màu đỏ hồng hấp dẫn. Cua bắt từ biển lên, đem hấp cách thủy hoặc luộc, rang muối… đều rất ngon và nhiều chất dinh dưỡng.
Người ta mang con cua huỳnh đế rửa sạch với nước, sau đó cho vào một cái tô lớn rồi hấp để giữ nguyên chất ngọt của thịt. Khi cua đã chín, tách mai cua ra, dùng muỗng nạo hết gạch trong mai cho vào một cái tô. Lấy phần thịt cua vào một tô khác để ướp với gia vị gồm nước mắm ngon, tiêu hành, bột ngọt… kế tiếp, bắc chảo dầu ăn lên, phi hành củ cho thơm, để nhỏ lửa, cho thịt cua vào và đổ đều cho thịt thấm. Khi nồi cháo nấu đã chín nhừ, cho tất cả thịt cua vào và để sôi vài phút. Sau đó đổ tô gạch cua vào rồi nêm mắm muối lại cho vừa ăn và cho thêm củ hành tây xắt mỏng cùng lá hành, ngò xắt nhỏ rồi nhắc nồi cháo xuống và cho thêm tiêu vào tô cháo, ăn khi còn nóng.
Nấu cháo cua huỳnh đế ngon phải có lớp mỡ hành vàng sánh ở trên, lẫn với nước gạch màu đỏ cùng những thớ thịt màu trắng của cua. Cháo cua huỳnh đế có mùi thơm đặc trưng. Ăn vào có thể tăng cường sinh lực cho đàn ông, bồi bổ cơ thể phụ nữ, nhất là chị em đang nuôi con nhỏ…
Mắm nhum
Nhum thích sống ở vùng nước ấm gần bờ, chúng ẩn mình trong đám rong biển tại các gành đá. Khi chưa trưởng thành, con nhum giống trái chôm chôm màu đen thẫm, sau đó chuyển dần sang hình tròn dẹt, đường kính từ 8 – 10 cm; dày 3 – 4 cm. Vùng biển có nhiều nhum kéo dài từ vĩ tuyến 13 đến vĩ tuyến 17. Ở vùng duyên hải miền Trung, nhum xuất hiện nhiều trên các gành đá ven bờ từ huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Nhum bắt về rửa sạch rong rêu rồi dùng cật tre nạo thịt ra khỏi vỏ. Thịt nhum kết thành 5 hoặc 8 múi, màu hồng phớt, có thể kho để ăn cơm, trộn với trứng gà chưng cách thủy, hoặc tráng chung với trứng. Ngon nhất là làm mắm nhum. Người “dân xứ nẫu” thường chọn giống nhum biển nhỏ, thịt chắc, màu đỏ thẫm dùng làm mắm.
Để làm mắm nhum, người ta cho thịt nhum vào chum sành, rắc một ít muối hạt lên trên rồi đem vùi vào tro bếp hoặc phơi nắng 10 – 15 ngày. Mắm nhum chín tới có màu đỏ đục sệt như mắm sò Hải Vân (Huế), có vị mặn, chua, ngọt lẫn với hương vị riêng của thịt nhum đầy quyến rũ. Mắm nhum ăn với bún tươi rất ngon. Nhưng ngon nhất là chấm với thịt heo ba rọi kèm rau sống, dưa leo cuốn bánh tráng nhúng.
Ở Bình Định, Phú Yên, món đặc sản mắm nhum chủ yếu dùng trong gia đình và làm quà biếu. Số lượng mắm bán ra thị trường rất ít và thường chỉ dành cho khách đặt hàng từ trước…