Theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, tất cả tàu trên 15 m trở lên phải được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm tàu cá, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; đã và đang được nhiều địa phương triển khai, dù vẫn còn khó khăn nhất định.
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Theo quy chuẩn của Bộ NN&PTNT, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) thủy sản đánh bắt, chế biến, thu mua và vận chuyển thủy sản, được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sở hữu tàu cá đang hoạt động, đóng mới, cải hoán có công suất từ 90 CV trở lên. Thiết bị làm lạnh phải có công suất đủ mạnh để giữ thủy sản trong kho ở nhiệt độ bảo quản thích hợp và ổn định, có nhiệt kế được lắp đặt đúng cách để theo dõi nhiệt độ của kho. Hầm bảo quản hải sản được làm bằng vật liệu chống ăn mòn, không độc, cấu trúc chắc chắn, được bọc cách nhiệt và có nắp đậy khi cần thiết, không ngấm nước, dễ làm vệ sinh, khử trùng và thường xuyên được giữ gìn sạch sẽ, hợp vệ sinh. Hải sản khai thác phải duy trì được nhiệt độ lạnh theo yêu cầu cho đến khi bốc dỡ; hải sản sau khi đưa ra khỏi tủ cấp đông phải được bao gói và đưa ngay vào kho lạnh bảo quản. Trong kho lạnh, hải sản phải được kê xếp theo từng lô riêng biệt, ghi chép rõ vị trí và ngày, tháng bảo quản của từng lô và phải được bảo quản đúng nhiệt độ quy định.
Đảm bảo an toàn thực phẩm trên tàu cá giúp nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác. Ảnh N. Chung
Tuy nhiên, hiện nay, ghi nhận tình hình khai thác thủy sản tại một số địa phương ven biển, vấn đề đảm bảo ATTP trên tàu cá còn khá bất cập. Điển hình như tại Hải Phòng, những tồn tại trong khai thác thủy sản nơi đây tập trung chính vẫn là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tàu cá, đăng kiểm tàu cá, một số tàu cá khai thác không đúng ngành nghề, tàu cá ra khơi không đủ định biên theo quy định, việc ghi chép nhật ký khai thác của ngư dân còn chưa đảm bảo. Về ATTP, nhiều tàu cá, thuyền viên hoặc thậm chí thuyền trưởng, thuyền phó không có giấy xác nhận kiến thức ATTP, chưa được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định.
Ông Nguyễn Thanh Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hải Phòng cho biết, theo quy định (Thông tư 38), tất cả tàu trên 15 m trở lên phải được cấp chứng nhận vệ sinh ATTP tàu cá. Quá trình triển khai, hiện tại mới có một ít tàu cá ở Đồ Sơn và Cát Hải được cấp chứng nhận về ATTP. Việc này là thủ tục hành chính, phải qua lớp tập huấn đào tạo mấy ngày cho ngư dân về kiến thức vệ sinh ATTP. Trên cơ sở giấy chứng nhận đó và kiểm tra tàu cá đủ điều kiện như: Thiết kế, kết cấu và bố trí trên tàu cá; trang thiết bị, dụng cụ bảo quản sản phẩm và dụng cụ, hóa chất vệ sinh; hệ thống cung cấp nước và nước đá; hệ thống thoát nước thải; phòng vệ sinh; sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển và bốc dỡ thủy sản… mới được cấp giấy chứng nhận vệ sinh ATTP. Điều quan trọng là nâng cao nhận thức của thuyền viên, ngư dân; nhưng, thực tế hiện nay, các bạn thuyền thay đổi liên tục, không ổn định nên việc thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm trên tàu cá khá khó khăn và không duy trì được lâu dài.
Cần sự vào cuộc của địa phương
Tại Quảng Ngãi, Chi cục Thủy sản tỉnh đã kiểm tra, thực hiện cấp giấy chứng nhận ATTP cho hơn 1.100 tàu cá trong tổng số 3.175 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên. Đa phần các tàu đều đạt loại B, cơ bản đáp ứng yêu cầu về điều kiện bảo đảm ATTP, vẫn còn một số sai lỗi nhưng chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến ATTP.
Còn tại Nam Định, Sở NN&PTNT tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản thẩm định, chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT, tăng cường công tác cấp giấy chứng nhận ATTP đối với tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên. Ngoài ra, đối với tàu cá có chiều dài dưới 15 m sẽ hướng dẫn chủ tàu viết cam kết đảm bảo ATTP theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT.
Tính đến 10/3/2020, Chi cục Thủy sản đã tiến hành kiểm tra và cấp giấy chứng nhận ATTP tàu cá cho 30 tàu có công suất trên 90 CV. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện việc kiểm tra và lấy mẫu thủy sản khai thác trên tàu cá và ở các cơ sở thu mua cá để xét nghiệm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trên tàu cá, từ đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngư dân sử dụng các chất bảo quản bị cấm. Sau khi lấy mẫu đi phân tích, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng các chất cấm để bảo quản sản phẩm trong quá trình đánh bắt. Ngoài ra, đơn vị cũng tăng cường nhắc nhở chủ các tàu thuyền nâng cao ý thức, trách nhiệm; khuyến khích, tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn ngân hàng để nâng cấp, cải tiến các thiết bị trên tàu, thuyền; phát triển các tàu dịch vụ để vận chuyển, cung ứng vật tư, nhiên liệu cũng như đưa sản phẩm vào đất liền, nhằm giúp ngư dân tăng thời gian bám biển và rút ngắn thời gian lưu giữ sản phẩm trên tàu…
>> Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam chia sẻ, việc thực hiện ATTP trên tàu cá tại địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, do nhận thức của ngư dân về điều kiện ATTP còn hạn chế; thứ hai là các tàu cá thường xuyên sản xuất dài ngày trên biển nên việc tổ chức tập huấn kiến thức về ATTP chưa thực hiện được. Do đó, đến nay, Quảng Nam chưa thể cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên. |