(TSVN) – Bộ NN&PTNT vừa có văn bản trả lời ý kiến của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) về vấn đề kiểm dịch đối với hàng thủy sản chuyển mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa có nguồn gốc nhập khẩu để gia công xuất khẩu.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT cho biết, theo quy định tại Thông tư số 06/2022/TT-BNNPTNT ngày 28/7/2022 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản, nguyên liệu thủy sản nhập khẩu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu thuộc diện miễn kiểm dịch. Do đó, các lô hàng nguyên liệu được nhập khẩu: Từ nhiều quốc gia, cơ sở khác nhau; trong đó có các quốc gia, cơ sở chưa được chấp thuận xuất khẩu vào Việt Nam theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 44 Luật Thú y, khoản 1 Điều 14 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018; Không yêu cầu tất cả các lô hàng có Giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 44 Luật Thú y; Không phải nộp hồ sơ khai báo kiểm dịch nhập khẩu theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật Thú y; Khi nhập khẩu lô hàng được chuyển thẳng về các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp, không phải thực hiện theo quy định tại Điều 47 Luật Thú y.
Vì vậy, khi chuyển đổi mục đích để tiêu thụ trong nước, lô hàng có nguy cơ không đáp ứng các quy định đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu tiêu thụ trong nước, dẫn đến vi phạm các quy định về xử phạt hành chính tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ.
Lô hàng sẽ không còn niêm phong, kẹp chì theo quy định; lô hàng được đưa vào sản xuất sẽ không còn nguyên trạng như ban đầu; thông tin của lô hàng không đúng với Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất hàng để thực hiện thủ tục về kiểm dịch nhập khẩu.
Trường hợp chủ hàng đưa nguyên liệu thủy sản về kho của doanh nghiệp ở nhiều nơi trên phạm vi cả nước, cơ quan kiểm dịch không có đủ nhân lực và nguồn lực để tổ chức thực hiện.
Nguy cơ nguyên liệu thủy sản xuất phát từ nơi không được kiểm soát chặt chẽ về dịch bệnh, an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc nhập khẩu vào Việt Nam để làm nguyên liệu gia công xuất khẩu nhập khẩu để chuyển đổi mục đích sử dụng.
Nguy cơ lô hàng phải xử lý hàng quá hạn sử dụng (thực tế, trong các năm 2018 và 2021 đã xảy ra một số vụ việc dẫn đến khiếu nại ở nhiều cấp, trong nhiều tháng), hàng hư hỏng, kém chất lượng trong trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu về một thời gian dài sau khi không sử dụng làm nguyên liệu mới đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng.
Lô hàng có thể có nhãn hàng hóa, bao gói không phù hợp với quy định hiện hành về nhãn hàng hóa, bao gói đối với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu để tiêu thụ trong nước, do nguyên liệu thủy sản nhập khẩu với mục đích làm nguyên liệu gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu có thể đóng chung trong cả container hoặc đóng thành những block đông lạnh mà không có bao gói và nhãn mác là nhãn mác chung cho cả container.
Phát sinh chi phí do phải lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu dịch bệnh; trường hợp lô hàng không đạt yêu cầu, sẽ rất khó khăn cho việc xử lý; thời gian tổ chức thực hiện kiểm dịch, lấy mẫu xét nghiệm không thể bảo đảm theo đúng quy định về kiểm dịch nhập khẩu.
Có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh đối với hàng sản xuất trong nước, hàng được nhập khẩu theo quy trình kiểm dịch để tiêu thụ trong nước, có thể có gian lận thương mại,…
Vì các lý do nêu trên, Bộ NN&PTNT tiếp tục giao Cục Thú y phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đánh giá đối tượng chịu sự tác động về nội dung đề xuất của Hiệp hội từ đó đưa ra phương án vừa đảm bảo hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đảm bảo người dân Việt Nam được sử dụng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời đảm bảo quản lý nhà nước đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu để gia công, chế biến xuất khẩu chuyển mục đích làm thực phẩm tiêu dùng trong nước.
Bảo Hân