(TSVN) – Tại một diễn đàn về phát triển nghề nuôi thủy sản lòng hồ, nhiều ý kiến đều đồng thuận rằng đã đến lúc chúng ta đánh thức tiềm năng hồ chứa, phát triển nuôi thủy sản đạt hiệu quả và hướng tới sản phẩm OCOP tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hòa Bình cho biết, Hòa Bình có nhiều tiềm năng phát triển nuôi cá lồng quy mô lớn với các loài chủ lực như: lăng, chiên, tầm, trắm đen, bỗng, rô phi, điêu hồng… hướng đến xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh đã có 4.700 lồng, tương đương 329.000 m3, sản lượng trên 4.000 tấn. Nhãn hiệu “Cá, Tôm sông Đà Hòa Bình” đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận là điều kiện phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và hướng đến xuất khẩu.
Ông Đỗ Đức Trường, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình, cho biết, trong giai đoạn 2015 – 2020, Trung tâm đã thực hiện hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho cá. Xây dựng các mô hình khuyến ngư gồm mô hình nuôi cá trong lồng như: cá tầm, điêu hồng, cá lăng, cá ngạnh, cá trắm đen; nuôi cá trắm cỏ thâm canh năng suất cao trong ao, hồ chứa.
“Thành công của các mô hình trình diễn bước đầu tạo cho người nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa có thêm động lực, tự tin hơn trong việc đầu tư và chuyển đổi đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao hơn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước tiến tới làm giàu bằng nghề nuôi cá lồng”, ông Đỗ Đức Trường nhấn mạnh.
Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã có các dự án phát triển nuôi cá lồng miền núi ở các cấp độ khác nhau, thay thế lồng gỗ, tre bằng lồng sắt, hướng đến phát triển nuôi cá lồng an toàn thực phẩm, cho sản phẩm OCOP. Trong quá trình nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học, tiến bộ kỹ thuật, xử lý môi trường nước, cá nhanh lớn, sản phẩm an toàn… Để sản xuất được sản phẩm OCOP, Trung tâm phải vận động, thuyết phục, hỗ trợ người dân để sản phẩm được sản xuất ra có giấy chứng nhận an toàn, bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc.
Theo Sở NN&PTNT Hưng Yên, việc phát triển cá lồng đã đóng góp tích cực vào tăng sản lượng nuôi thủy sản của tỉnh. Sản lượng NTTS hiện nay được tiêu thụ theo chuỗi liên kết khoảng 1.356 tấn (chiếm 3,2% sản lượng NTTS toàn tỉnh). Đây là loại hình sản xuất có sự liên kết của nhiều hộ gia đình có nguồn thu chính từ NTTS; tạo mối liên kết giữa các thành viên trong HTX hoặc THT hỗ trợ nhau về kỹ thuật, con giống, đầu ra… Nhìn chung, loại hình sản xuất này có hiệu quả song chưa phát triển mạnh do người dân chưa thấy hết lợi ích của việc hợp tác.
Ông Phạm Văn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Dịch vụ Cường Thịnh, cho biết, ở khâu sản xuất, doanh nghiệp chủ động đầu tư mô hình nuôi cá sạch theo quy chuẩn chất lượng VietGAP, tham gia “Dự án liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm cá đặc sản sông Đà theo chuỗi giá trị” của Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Hòa Bình triển khai, chia sẻ hợp tác với HTX Vầy Nưa, HTX sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Đông Lai và 15 hộ nuôi cá thuộc khu vực lòng hồ sông Đà trong từng công đoạn con giống, thức ăn, quy trình chăm sóc và bao tiêu sản phẩm.
Theo ông Vương Đắc Hùng, để phát triển nuôi cá lồng trong giai đoạn tới, chúng tôi tập trung đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa các hộ nuôi, hình thành các HTX nghề cá liên kết với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ trong và ngoài tỉnh hướng sản phẩm ra thị trường khu vực và thế giới; mở rộng quy mô nuôi lồng, bè trên các thủy vực; lựa chọn và phát triển đối tượng nuôi chủ lực theo đề án tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản, hướng đến nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
>> Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hòa Bình: Hiện tỉnh đã có 2 sản phẩm fillet cá lăng và cá rô phi đạt tiêu chuẩn chứng nhận OCOP, trong thời gian tới phấn đấu có từ 4 – 6 sản phẩm cá nuôi lồng, bè đạt OCOP. |
Anh Vũ