Hòn Cò (Vân Đồn – Quảng Ninh) từ nhiều năm qua vẫn được coi là một khu đảo lạ lùng. Cư dân của đảo đều là những người trở về từ cuộc đời lầm lạc bởi ma túy, bởi tù tội và không ít người trong số họ nhiễm AIDS. Hạnh phúc một lần nữa được nhen lên khi họ quyết tâm làm lại cuộc đời.
CLB của những người hoàn lương
CLB Vạn hoa được thành lập từ năm 2006 trên “đảo hoàn lương” – thực chất là hòn đảo của những người từng lầm lỡ, nghiện ngập, nhiễm HIV… làm lại cuộc đời do ông Hoàng Văn Liên làm Chủ nhiệm. Đây là một CLB được thành lập trong khuôn khổ Dự án Can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV tại huyện Vân Đồn của tổ chức Sức khoẻ – Gia đình thế giới (FHI). Việc tổ chức cho các đối tượng sau khi cai nghiện ma tuý ra khu đảo Hòn Cò làm ăn để tự nuôi sống mình chỉ là một bộ phận trong hoạt động của CLB. Khó khăn vẫn còn nhiều, vì đa phần các thành viên đều là những người không tiền bạc, không nghề nghiệp, thậm chí không nhà cửa, không vợ con… nên rất khó tạo điều kiện cho họ vay tiền ngân hàng để phát triển kinh tế .
Ông Phạm Văn Kha – Giám đốc Trung tâm y tế huyện Vân Đồn cho biết: “Bước đầu có thể thấy mô hình tổ chức cho những người sau cai nghiện, tù tội làm lại cuộc sống tại Hòn Cò là một mô hình hiệu quả, giúp họ quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy. Hiện tại trung tâm vẫn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nho nhỏ từ tổ chức FHI, từ UBND huyện mỗi năm hỗ trợ 30 triệu con giống tu hài để anh em phát triển cuộc sống mới.”
Giữa biển khơi không có chợ, các gia đình phải cử người thỉnh thoảng về đất liền mua lương thực để duy trì cuộc sống. Khi chưa có tàu về đất liền, họ phải mất chừng 2 giờ chèo mủng trên biển. Cuộc sống dập dềnh trên sóng nước với bao gian truân vất vả như gột rửa giúp họ khỏi những cát bụi lỗi lầm. Từ khát khao xa khỏi đất liền cứu người thân của mình khỏi ma túy là chính, trong cái khó ló cái khôn, họ đã tìm ra hướng làm kinh tế, nuôi trồng thủy hải sản trên biển. Giữa đại dương không hiếm gì hiểm nguy đe dọa, nhưng biển cả bao la luôn rộng lòng bao dung đối với những đứa con khát khao hướng về nẻo thiện. Cuộc sống của các gia đình giờ đây khá hơn nhiều.
Vợ cứu chồng
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Năng đã gắn bó với Hòn Cò được gần 4 năm. Từ khi anh Châu Ngọc Long – chồng chị trở về từ trại giam, cũng là khi chị quyết tâm giúp anh làm lại cuộc đời. Thoạt nhìn người đàn bà ngoài 40 tuổi nhỏ nhắn, gầy gò, với làn da đã sạm vì nắng gió biển khơi, khó ai nghĩ rằng giờ đây chị đã là bà chủ của một “cơ đồ tiền tỷ” nuôi trồng thủy sản. Nhớ về những ngày tháng cũ, nhiều người nơi đây đã quá quen thuộc với hình ảnh người đàn bà bé nhỏ đã hơn chục năm ròng đắng lòng chịu đựng những “cơn khát thuốc” của chồng. Hai đứa con trai lần lượt sinh ra và lớn lên trong khi người chồng vẫn ngày ngày u mê với ma túy.
Dấn thân vào vòng xoáy nghiện ngập mấy năm trời, anh Long bị bắt vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Vợ con ở nhà rau cháo nuôi nhau, cuộc sống bần hàn, nhưng người vợ vẫn mong đợi ngày anh trở về, để cùng làm lại cuộc đời, nuôi dạy con cái. Hơn chục năm dài đằng đẵng tù tội của chồng cũng trở thành mây bay khi chị và các con nhìn anh bước ra khỏi cổng trại. Hạnh phúc chưa kịp nhen lên thì hiểm họa lại tiếp tục rình rập gia đình chị Năng khi ra trại chồng mình vẫn vướng vào ma túy.
Chị Năng thương chồng, đã vận động chồng ra Hòn Cò lập nghiệp bằng nuôi nghề cấy tu hài trên diện tích 7 hécta giữa biển. Chị kể, từ 2 triệu đồng trong tay, vợ chồng chị đã chạy vạy khắp nơi, cuối cùng cũng vay được 100 triệu.
Năm đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm, tu hài bị mất mùa, vợ chồng chị lỗ gần hết số vốn đã bỏ ra. Nhẫn nại khởi nghiệp từ đầu và chịu khó học hỏi, đến vụ thứ 2 trở đi, vợ chồng Năng – Long đã thu hoạch được những vụ tu hài bội thu và có của ăn, của để, thành một “đại gia” ở Hòn Cò.
Cũng làm lại cuộc đời ở Hòn Cò, chị Nguyễn Thị Yến đã giúp chồng mình cai nghiện và cùng chồng vực dậy kinh tế gia đình. Hơn 20 năm về nhà chồng thì cũng chừng ấy thời gian anh Bùi Huy Đông – chồng chị vướng vào ma túy. Nhắc tới “đảo hoàn lương” này, người ta cũng nhắc nhiều tới gia đình Yến – Đông, bởi ngày đở đất liền, anh Đông như “con ngựa bất kham”, không ai khuyên giải được. Đông bị đưa vào trại. Hơn chục năm trời trả nợ cho những tháng ngày lầm lạc, anh trở về. Lại vẫn đôi bàn tay trắng. Lúc này, bị hàng xóm xua đuổi, vợ chồng rủ nhau đi làm ăn trên các đảo ở Vân Đồn, nhưng đi đến đâu cũng bị chửi mắng. Thế rồi, họ đã tìm được cuộc sống mới ở Hòn Cò và được tham gia CLB Vạn hoa.
Anh Đông tâm sự, hồi trước chẳng bao giờ anh nghĩ đến chăm lo cho vợ con, lúc nào cũng nghĩ tới ma túy. Giờ anh thấy thương vợ vô cùng. Không gì khổ hơn người vợ có chồng nghiện ngập. Giờ thì anh đã ổn định tinh thần, sống bên vợ con, bởi anh không tìm đâu ra người nhân hậu và thương anh bằng chị Yến.
Nước mắt giữa thời bình
Cơn bão ma túy đã làm tan nát biết bao gia đình, nó cũng dừng lại nơi hiên nhà ông Trần Văn Kiếm và bà Nguyễn Thị Yên và làm kinh tế lụn bại. Vốn là một cô giáo trường huyện, như bao người đàn bà khác, bà Yên yêu con hết mực nên khi biết con trai là Trần Văn Hưng cũng đã vướng vào ma túy. Vợ chồng bà thấy mình chẳng còn nỗi đau nào hơn thế. Đau đớn, đắn đo nhiều, ông bà quyết định đưa con… ra đảo Hòn Cò, làm một căn nhà nhỏ, bằng tre nứa, giúp con cai nghiện. Thương con hết mực, nhưng đã từng là người lính, ông Kiếm dặn vợ quyết tâm đưa con vào khuôn khổ, giúp con thoát được ma túy. Nhưng hạnh phúc đã chẳng mỉm cười khi Hưng đã mắc căn bệnh thế kỷ.
Xót xa nhân đôi vì vợ Hưng cũng không thoát khỏi căn bệnh quái ác ấy. Trải qua biết bao biến cố, nước mắt đã “chai” theo những lầm lạc của đứa con, vậy mà vợ chồng bà vẫn còn bàng hoàng. Những giọt nước mắt của ông bà đã vỡ òa vì hạnh khi biết cháu Trần Huy Khánh – cháu nội của bà không bị nhiễm HIV. Giờ đây đã 6 tuổi, cháu được đi học, tới trường như bao bạn bè khác. Ông bà Yên cũng nguôi ngoai nỗi đau, sống và giúp con trai, con dâu làm kinh tế.
Tại Hòn Cò, có những gia đình cả 4 thế hệ cùng nhau tập trung trên biển để động viên người thân của mình, cùng góp sức đắp vun cho cuộc sống mới. Nhìn họ, ít ai ngờ rằng nhiều người trong số đó là những mảnh đời đã từng vương vất nơi đất liền, từng vướng cát bụi lầm lạc giờ đang khao khát làm lại cuộc sống mới.
Tin vào cuộc sống mới
Những người dân đang sống ở Hòn Cò chẳng ai quên được những ngày đầu gian khó. Ở đất liền, họ đã chịu cảnh bị dị nghị, nói xấu, xa lánh. Người dân phải tự tìm nơi sinh sống mới cho mình, thoát khỏi miệng lưỡi thế gian. Giờ họ đã có mái ấm là CLB Vạn hoa, tuy cuộc sống giữa biển khơi còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều trong số đó đã tìm lại được chính mình và thanh thản sống. Hơn 20 gia đình là hơn 20 tổ ấm, đã từng khủng hoảng, tuyệt vọng. Giờ sóng và gió biển sẽ làm họ nguôi ngoai quá khứ, để hướng đến cuộc sống tốt đẹp ở tương lai.
Con tàu cũ chòng chành rẽ sóng đưa chúng tôi trở lại đất liền, để lại sau lưng những đôi mắt bình yên nơi đảo vắng. Biết rằng đêm nay cũng như những đêm khác, những ngọn đèn lại được nhen lên giữa biển, như giúp những mảnh đời đã từng lầm lạc kia thắp lại nẻo về hoàn lương, bằng chính tình yêu cuộc sống.
Phóng sự của Ngọc Dung
Theo Pháo luật